Doremon360's Blog

Bai 17 (p.4) : Năm Mão

Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp (phần 4)

‘Mão/Mẹo/mèo’

.

Nguyễn Cung Thông

Các bài viết trước (phần 1, 2, 3) cho tóm tắt các liên hệ của tên 12 con giáp đến tên gọi các con vật trong tiếng Việt – sự tương đồng này rất dễ nhận ra từ Mão/Mẹo/mèo, Ngọ/ngựa cho đến những tiếng Việt Cổ hơn như Dần-kễnh, Thân-khôn/khọn … mà ta phải dựa trên cách thành lập chữ Hán để tìm ra. Từ bài này (phần 4 trở đi) sẽ đi vào chi tiết từng tên mỗi chi một, hi vọng sẽ cởi bỏ các lớp bụi thời gian và không gian sau bao ngàn năm để chứng tỏ rằng 12 tên con giáp rất gần với tiếng Việt chúng ta, nếu không là chủ nhân các tên con giáp. Người viết sẽ tránh dùng thuật ngữ để người đọc dễ cảm nhận các bài viết này hơn, thanh điệu của một chữ được ghi bằng số và đứng sau chữ đó, khác với cách ghi thanh điệu tiếng Việt hay phiên âm (pinyin) giọng Bắc Kinh.

.

1. Giới thiệu tổng quát

Mười hai con giáp cho thấy khuynh hướng xa lìa dần thiên nhiên của con người : từ 12 con thú tiêu biểu khi xưa cho đến chỉ vài con vật nuôi trong nhà (pets) hiện tại như mèo và chó mà thôi. Có những con đã ‘mất dạng’ ngay từ lúc 12 con giáp ra đời như rồng, và có những con đang từ từ ít đi như trâu, cọp … Mão là từ Hán Việt (HV) chỉ chi thứ 4 trong 12 chi (thập nhị chi) – giọng Bắc Kinh (BK) bây giờ là mǎo theo pinyin (phiên âm phổ thông) viết bằng bộ tiết (bộ thủ thứ 26). Mão dùng để chỉ thời gian, từ 5 giờ đến 7 giờ sáng hay tháng hai, và chỉ phương đông trong không gian. Theo thiên văn cổ Trung Hoa (TH) và ngay đến bây giờ, biểu tượng của Mão là con thỏ so với con mèo của văn hoá Việt Nam.

Một cách giải thích sự khác biệt này là sự cố tình đổi chữ và âm của người TH thời tiền Hán như đã nói trong phần 2 đã được đăng (phần “Nguồn gốc oan trái của tên 12 con giáp”, lưu trữ vào tháng 6, 8 năm 2006 trên khoahoc.net Tóm tắt tại chú giải (15) của phần 2).

Ngoài ra, mèo rất gần với đời sống dân Việt qua những thành ngữ hay ca dao tục ngữ như ‘ăn như mèo ngửi’, ‘mèo già hoá cáo’, ‘khỉ vẫn là khỉ, mèo vẫn hoàn mèo’, ‘mèo cào không sẻ vách vôi’, ‘mèo mù vớ được cá rán’, ‘mèo vật đống rơm’, ‘mèo hay ỉa bếp’, ‘mèo uống nước bể chẳng bao giờ cạn’, ‘mèo nhỏ bắt chuột con’, ‘mèo nhỏ bắt chuột to’ hay ‘mèo con bắt chuột cống’ – ‘mèo vật đống rơm’, ‘mèo nào cắn mỉu nào’…và …‘con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà…’

‘Con mèo con mẻo con meo

Muốn ăn thịt chuột phải leo xà nhà’

Hay ‘Mèo khen mèo dài đuôi

Chuột khen chuột nhỏ dễ chui dễ trèo’

Hay ‘Mèo lành ai nỡ cắt tai

Gái kia chồng rẫy khoe tài chi em’

Và ‘Mèo hoang lại gặp chó hoang

Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai’

‘Mèo lành ở mả bao giờ

Của yêu ai có bày ra ở ngoài’

‘Mèo tha miếng thịt xôn xao

Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi’

Các câu này được người viết nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài viết vì trong đó có hình ảnh 3 con vật cũng là biểu tượng cho 3 chi thuộc 12 con giáp, ngoài ra các câu này rất sâu sắc cho thấy tim đen con người (trích từ cuốn ‘Tục Ngữ Phong Dao’ tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và ‘Từ điển thành ngữ ca dao’ Viện ngôn Ngữ Học 1994)

Mèo được nuôi ở khắp nơi trong nước, và cũng có nhiều loại mèo hoang. Ở nông thôn, người ta thường chôn mèo chết dưới gốc cây khế chua, cho rằng như vậy sẽ làm cho khế ngọt. Từ mèo được dùng một lần trong truyện Kiều

‘Ra tuồng mèo mả gà đồng’ (câu 1731)

Cách dùng ‘mèo’ để chỉ người tình, cũng như ‘mèo mỡ’, ‘mèo thấy mỡ’… không thấy dùng trong ngôn ngữ TH, cho thấy sự rất gần gũi của loài mèo với con người Việt Nam. So với cách dùng mèo trong văn hoá TH, ta thấy trong vốn từ bây giờ có chữ miêu HV, māo/máo BK – giọng Quảng Đông là miu4, mau4, mau1, giọng Hẹ là miu2, miu5 … viết bằng bộ trỉ (loài bó sát không có chân, bộ thủ thứ 153) hợp với chữ miêu (mầm mống) hài thanh (HT) hay bộ khuyển hợp với chữ miêu HT. Tương phản với văn hoá Việt, miêu ít thấy dùng trong các thành ngữ hay ca dao tục ngữ TH – chỉ vài ba câu như

‘Miêu thử đồng miên’

(mèo chuột ngủ chung, ý nói sự a dua làm chuyện xấu)

‘Miêu khốc lão thử giả từ bi’

(mèo khóc khi chuột chết, ý nói sự đạo đức giả)

Các thành ngữ ca dao dính líu đến mèo thường mang tính cách tiêu cực trong cả hai nền văn hoá VN hay TH, như một điển tích đời Đường cho thấy

‘Lý Miêu tên là Lý Nghĩa Phú, tính nham hiểm mà ngoài mặt vẫn giữ vẽ hiền lành nên người đương thời gọi là Lý Miêu’ (Tầm Nguyên Tự Điển, Bửu Kế)

.

Nếu hình ảnh con mèo rất hiếm thấy trong văn hoá Trung Hoa thì ngược lại, chúng ta thường gặp hình ảnh con thỏ hơn – một loài vật hình dạng giống như mèo như hai tai rất lớn, khối lượng (mass) cũng gần nhau … – chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi phân tách chữ viết/khắc cổ của chữ mèo và thỏ vì chữ viết (Hán Cổ, như Giáp Cốt Văn, Chung Đỉnh Văn) thường tượng hình. Lông thỏ thường dài hơn lông mèo và dùng làm bút để viết chữ Hán. Loài thỏ chịu được nhiệt độ cao nhất khoảng 32oC so với loài mèo chịu được tối đa 52oC, phản ánh loài vật sống ở miền lạnh cùng với dân du mục ở phương Bắc so với loài vật sống ở phương Nam ấm hơn với khuynh hướng sống về nông nghiệp.

Thỏ hay thố HV viết bằng bộ nhân cho thấy sự quan trọng của chữ này trong ngôn ngữ TH, giọng BK bây giờ là tù so với giọng QĐ tou3, Hẹ là tu5, Ngô là thu5 … Xem lại các truyền thuyết trong văn hoá dân gian ta thấy bóng đen(2) trên mặt trăng ‘giống hình’ chú cuội ngồi gốc cây đa… khác hẳn với truyền thuyết TH về con thỏ trên mặt trăng nên mặt trăng (3) còn được gọi là ngọc thố, thỏ bạc, thỏ ngọc, bóng thỏ (bóng trăng), thỏ phách, bạch thố (con thỏ trắng giã thuốc, ý chỉ mặt trăng) … hay thành ngữ ‘thỏ giỡn trăng’, ‘thỏ thoát’ (thoát đi như thỏ) … cũng như một số thành ngữ cổ điển HV như :

‘Thỏ tử cẩu phanh’

(hễ thỏ chết thì đến lượt chó bị làm thịt, hết dùng được thì ăn đi)

Thổ tử hồ bi’

(thỏ chết thì ngay cả cáo/chồn cũng buồn thương)

Thỏ dinh tam quật’

(thỏ khôn có ba hang, có nhiều cách tính và lối thoát)

Cũng như ‘Giảo thố tam quật’

(thỏ khôn có ba hang, khôn có nhiều lối thoát)

‘Thỏ khởi phù cử’

(nhanh như thỏ và vịt trời khi khởi động)

Thỏ khởi ban cưu lạc’

(nhanh như thỏ chạy hay chim ban cưu đáp)

Thỏ ti yến mạch’

(chỉ có hư danh thôi, ‘có tiếng mà không có miếng’)

Thỏ tử bất ngật oa biên thảo’

(thỏ không ăn cỏ ở gần ổ, ý nói kẻ gian không lương lẹo với hàng xóm)

Thổ tử vi ba trường bất liễu’

(đuôi thỏ không dài ra được, ý nói một sự kiện rõ ràng ‘như ban ngày’)

‘Thủ chu đãi thố

(khư khư chờ thỏ đến, như ‘há miệng chờ sung rụng’ việc khó đến)

Thật ra, thỏ đã hiện diện ngay trong Kinh Thi4 qua tựa một thiên là Thố Thủ (đầu thỏ),

‘Hữu thố tư thủ, bào chi táo chi’

(có đầu thỏ để quay để nướng, ý nói vật nhỏ cũng có công dụng …)

.

Các thí dụ trên cho thấy hai nền văn hoá VN và TH phát triển rất khác nhau qua hình ảnh mèo và thỏ. Ngay trong tiếng nói hàng ngày, tiếng Việt chỉ dùng nhóm từ sứt môi (hare lip, cleft lip) so với tiếng TH là tùchún (giọng BK hay thố thần HV, môi thỏ ý nói sứt môi giống loài thỏ)(5) và chúnliè (thần liệt, môi sứt) … Tuy rất xa lạ với tộc Việt, ảnh hưởng về sau của thỏ còn thấy trong truyện Kiều, chữ thỏ được dùng hai lần so với mèo chỉ được một lần mà thôi

Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương’ (câu 1370)

Lần lần thỏ bạc ác vàng’ (câu 1269)

.

2. Các liên hệ hay lẫn lộn giữa mèo và thỏ

2.1 Như đã viết ở bài 2 phần ‘Nguồn gốc oan trái của tên 12 con giáp’, mãn (Việt Cổ) là mèo chỉ hiện diện trong tiếng Việt mà các dạng biến âm khác có thể là miễn, mãn, wan mà tàn tích rất hiếm trong tiếng TH như miễn (thỏ con), man (mèo hoang). Biến âm từ oan (hay môi hoá thành man) ra mãn hay miễn có thể giải thích được, nhưng từ chữ miễn trở thành thố như trong cách viết cổ thời Xuân Thu thì khó giải thích hơn – có thể các giọng địa phương bị ‘thanh lọc’ bởi nhóm nắm quyền hành thời đó, hay vì cố tình thay đổi. Trường hợp này vẫn thấy trong tiếng Việt qua cách gọi chợ Đông Ba (trước là Đông Hoa) hay cầu Bông (trước là cầu Hoa) vì kỵ huý bà Hồ Thị Hoa – mẹ vua Thiệu Trị – giọng địa phương trong trường hợp này là Thừa Thiên. Tương quan M
o-Thố còn có thể liên hệ đến cách dùng tương đương của mạo-thù (oán), mão-thủ (đều nghĩa là đầu), mạo-thụ/thọ (sống già)… Điều này còn thấy trong một cách đọc qŭ (thủ/thỏ HV)6 rất khác với âm miáo (mão, miêu HV) của thành phần HT của chữ miêu (mèo).

2.2 Ngoài ra, một chữ hiếm thấy là nâu/nậu6, viết bằng bộ thanh hợp với chữ thố, giọng BK bây giờ là nóu, nau4 QĐ, neu2 Hẹ cũng như một giọng đọc Hẹ nữa là wan5 – theo người viết chính là một dạng của âm mãn phương Nam (mèo). Chữ này có nghĩa là một tên cũ của thỏ. Xem cách viết/khắc cổ của chữ thố và miễn, ta thấy rất giống nhau (hai lỗ tai rất rõ nét) trừ một dấu phẩy ở bên phải chỉ đuôi con thỏ.

Các chữ hiếm khác như lưu, liễu HV (líu, lĭu BK) viết bằng bộ thử (chuột) hợp với chữ mão HT hay lưu HT đều có nghĩa là một loài thú có kích thước như con thỏ – điều này cho thấy cách phân loại xưa kia rất mơ hồ và rất dễ lẫn lộn. Thành ra mèo và thỏ rất dễ thay đổi cho nhau mà ít ai có thể nhận ra được !

2.3 Ta hãy xem vài tiếng vẫn còn dùng trong vốn từ TH hiện nay : thố tôn HV (tùsūn BK hay sá-lị tôn shēlìsūn BK) là một loại mèo hoang hay mèo rừng dù rằng dùng chữ thố/thỏ. Loài mèo này có lông dày làm áo lạnh rất tốt (theo Từ Nguyên). Dã miêu HV hay yĕmāo BK có nghĩa là thỏ rừng hay mèo rừng!

2.4 Ngay cả nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đều diễn giải chi thứ tư Mão bằng con thỏ, so với tự điển Việt-Bồ-La (1651) của giám mục Alexandre de Rhodes – ghi nhận giờ Mẹo (mèo) bằng con mèo trước ‘Vân Đài Loại Ngữ’ hơn cả trăm năm ! Điều này cho thấy tình trạng hỗn loạn của văn chương ‘bác học’ lệ thuộc vào tiếng TH hay HV (nâng cấp mèo thành ra thỏ), tương phản với văn chương bình dân vẫn giữ nguyên dạng cũ (mèo). Nhờ các sự sai biệt này mà ta có cơ hội để truy nguyên các chữ.

2.5 Trong khi tra cứu thêm về dữ kiện khảo cổ để viết bài này, người viết có dịp đọc qua một bản tin từ Tân Hoa (Xinhua News Agency, ngày 22 tháng Tám, 2006) trên mạng về các xương thú tìm thấy sau khi bị chôn sống cách đây khoảng 1700 năm. Các xương thú vật tìm thấy gồm có mèo, chó, heo, dê, trâu và trừu… Đây là lần thứ hai xương các con mèo được tìm thấy trong những mộ cổ khai quật bên Trung Hoa. Những khám phá về khảo cổ ở TH và Việt Nam rất quan trọng để kiểm nghiệm lại nguồn gốc chính xác của 12 con giáp, hỗ trợ cho kết quả từ ngôn ngữ học – tại sao không có xương thỏ ? Mèo là loài động vật ăn thịt (carnivore) và săn đuổi chuột, mà lại không ăn hại thóc lúa nên rất thích hợp cho xã hội nông nghiệp – khác với loài thỏ. Năm 2004, xương mèo và người đã được tìm thấy ở Cyprus (xem thêm http://en.wikipedia.com ) và tuổi ngôi mộ cổ này ước lượng cách đây khoảng 9500 năm cho thấy thời kỳ thuần hoá mèo xẩy ra khá lâu.

.

Tóm lại, mèo và thỏ rất dễ bị lẫn lộn mà tàn tích còn thấy trong các cách dùng trên. Có tác giả cho rằng nước Việt xưa không có thỏ, nên đổi thỏ qua mèo – người viết không đồng ý vì không phù hợp với các dữ kiện ngôn ngữ trên và sự thay đổi chữ miễn/mãn thành chữ thố. Các điều này cho thấy nguyên thuỷ chi thứ tư có thể là Mão/Mẹo/mèo và bị đổi thành thỏ, cũng phù hợp với ảnh hưởng văn hoá Cổ Đại của phương Nam lên phương Bắc TH trước khi TH thống nhất, thời kỳ Tần Hán và sau đó văn học Đường Tống khởi sắc và chiều ảnh hưởng lại từ phương Bắc lan ra khắp nơi.

.

3. Phụ âm đầu m- của Mão/Mẹo/mèo

Chữ Mão thường được dùng làm thành phần HT để tạo ra các chữ Hán khác như sao Mão (bộ nhật hợp với chữ Mão), sông Mão (bộ thuỷ hợp với chữ Mão), như liễu (cây liễu, bộ mộc hợp với Mão), mậu (mua bán, bộ bối hợp với chữ Mão) – mậu HV còn là mù, loà – để ý các âm đầu m và l … Nhưng cũng có khi đọc khác hơn như chữ lưu (ở lại, bộ điền hợp với chữ Mão), kiếu/giáo (hầm hố, bộ huyệt hợp với chữ Mão, có thể đọc là liêu/lưu) … Các dạng trên cùng với các phương ngữ TH như BK, QĐ, Hẹ, Ngô (Thượng Hải) và Hán Việt… cung cấp cho ta một số dữ kiện để có thể phục hồi một dạng âm Thượng Cổ của Mão là *mru? Phù hợp với dạng phục hồi của William Baxter trong cuốn ‘A Handbook of Old Chinese Phonology’ (1992), để ý phụ âm l có thể hoán chuyển với r , nhưng theo Bernhard Karlgren thì hơi khác với dạng *mlôg trong cuốn ‘Grammata serica recensa’ (1957). Có những tác giả khác đề nghị dạng lm- thay vì ml- như Andrew Miller chẳng hạn (1951) dựa vào các cách viết và phát âm tiếng Hán Thượng Cổ …v.v… Dù dạng gì đi nữa, ta dễ nhận ra tàn tích của âm liu- và lau- như đã ghi lại trong phần 2.2 ở trên, cũng như âm miêu của HV. Nhìn rộng ra các tiếng phương Nam chỉ con mèo như mèu (Kơho), maau (Thái), maau (Lào), chmaa (Kampuchia), m
aau (QĐ), māo BK … so với tiếng mèo kêu là miu, meo (Việt), miāo BK, miu (Thái) … cho thấy một tương quan khá rõ nét giữa tiếng mèo kêu và tiếng chỉ con mèo (8), và đương nhiên là tiếng gọi chi thứ tư Mão/Mẹo/mèo. Vậy mà tài liệu TH từ thời tác giả Vương Sung (27-97, trong ‘Thiên Sinh luận’ cuốn “Luận Hành’ thời Hán) cho đến tận ngày hôm nay vẫn cho rằng thỏ là con vật biểu thị cho chi Mão/Mẹo/mèo !

Phụ âm đầu m có thể là tàn tích của nhóm phụ âm ml- mà ta thấy trong tự điển Việt-Bồ-La như mlầm mlở là lầm lở, mlạt là lạt, mlẽ là lẽ…với âm đầu (tiền tố) m mất đi. Mlầm còn bị ngạc hoá (palatalisation) để cho ra nhầm, mlạt > nhạt, mlẽ > nhẽ, mlớn > lớn và nhớn … Alexandre de Rhodes cũng nhận ra điều này khi ông ghi mnhầm, mnhẽ là lầm, lẽ. Khuynh hướng ml- ngạc hoá cho ra nh- giải thích được sự hiện diện của chữ nheo : mi > *nhi > nheo , lông mi chính là lông nheo. Người viết nhớ lại trong thập niên 1960, khi ảnh hưởng người Mỹ bắt đầu gia tăng ở miền Nam, trong khẩu ngữ từng dùng âm Mẽo để chỉ Mỹ/Mĩ cho thấy biến âm i-eo còn có thể xẩy ra gần đây hơn.

.

4. Nguyên âm a và e của Mão/Mẹo/mèo

Mẹo và mèo là âm cổ hơn của Mão, các nguyên âm chính ở trước (front vowels) như e thường là dạng âm cổ hơn của các nguyên âm sau (back vowels) như a. Thí dụ :

Để ý một số nguyên âm e BK bây giờ đã từng có âm cổ a, hay nguyên âm a BK bây giờ có các dạng âm cổ hơn là o, ô và u – và cũng tuỳ các phụ âm đứng trước cùng thanh điệu chứ không thống nhất như chuỗi biến âm mèo-Mẹo-Mão9. Một điểm đáng chú ý là từ mẹo còn có nghĩa là phương thức (mưu mẹo) khi viết chữ Nôm thì mượn trực tiếp chữ Mão HV. Mưu HV viết bằng bộ ngôn hợp với chữ mỗ HT, giọng BK móu so với mau4 QĐ, meu2, meu3, miu2, miau3 Hẹ và âm mẹo cũng là âm cổ của mưu HV vẫn hiện diện trong tiếng Việt. Điều này phù hợp với khuynh hướng tương đồng của nguyên âm sau so với các nguyên âm trước (o/u ~ e) cũng như a ~ e đã nói phần trên. Ngoài ra yêu(10) HV viết bằng bộ nhục hợp với chữ yêu HT, yāo BK là giọng bây giờ so với jiu1 QĐ, jau1, jeu1, rau1 Hẹ, io1 (Ngô), iau1 (Minnan/Đài Loan) mà eo là một dạng âm cổ hơn được duy trì trong tiếng Việt.

.

5. Thanh điệu và kết luận phần 4

Nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt vẫn gây nhiều tranh luận (9), tuy nhiên liên hệ mèo-Mẹo và Mão cho thấy những thanh điệu còn lại qua một thời gian giao lưu văn hoá rất lâu. Vài nhận xét sơ khởi là mả-mồ-mộ so với mô, mu, mồng, mộng và giọng BK bây giờ mù, mú (viết bằng bộ thổ hợp với chữ mô HT) mou6 QĐ, mu5, mu6 Hẹ, mo6 (Ngô) và bong7 (Minnan/Đài Loan – để ý dạng bong7 tương ứng với bùng, bồng, bung, bổng…). Các thanh huyền, nặng và ngang đều thuộc thanh (âm) vực trầm (trọc), nhưng thanh hỏi mả cho thấy sự khác biệt do thời gian trong tiếng Việt lâu hơn nên có nhiều biến dạng hơn. So sánh các thanh điệu sau đây :

Thâm HV hay shēn, shèn BK, sam1 QĐ, chim1, cim1, cihm1 Hẹ, chhim1 (Minnan/Đài Loan), sơng1 (Ngô/Thượng Hải) có các dạng khác nhau như sâm, xâm (xâm xẩm), thẳm (thăm thẳm), đậm, thầm (tối tăm)11… cho thấy tương quan thanh điệu như mả-mồ-mộ-mô trên, cũng như một liên hệ có từ rất lâu – trước thời Đường Tống khi các biến âm sh-th, s-t xẩy ra một cách hệ thống hơn và khi hệ thống âm thanh Hán Việt bắt đầu hoàn chỉnh hơn. Liên hệ mèo-Mẹo-Mão và meo cũng phù hợp với những biến đổi thanh điệu như trên : các thanh huyền (mèo), nặng (Mẹo), ngang (meo) và ngã (Mão) đều thuộc thanh vực trầm.

Một hiện tượng nên được ghi nhận nơi đây là sự rút ngắn âm cuối (12) (apocope). Tác giả Lê Hữu Mục trong cuốn ‘Truyện Kiều và tuổi trẻ’ (Toronto, Canada 1998) có nhận xét về ‘…luật n/i rất nổi tiếng và tôi học được từ thầy tôi..’ (trang 93), được trích ra như sau :

Hiện tượng rút gọn âm cuối cũng xẩy ra trong tiếng TH hiện nay như wú-wáng BK (vô-võng HV), nán-ná BK (nam HV), màn-mù-mò BK (mành), xìng-sōu (tân HV, đỏ) … hay khi mượn từ tiếng TH vào tiếng Nhật như hōng (hồng) thành ko-, wăng thành mo- ..

Một số tác giả cho rằng khi rút gọn âm cuối thì tạo ra thanh điệu, điển hình và đầu tiên hết là nhận xét của học giả André Haudricourt trong các bài viết từ năm 1954, sau đó Edwin Pulleyblank bổ túc thêm về nguồn gốc thanh điệu qua các dữ kiện về tiếng Hán Cổ. Thí dụ như vào đầu công nguyên, tiếng Việt không có thanh điệu và quá trính các biến âm ghi lại trong bảng sau :

.


.

Tóm lại, liên hệ của Mão-Mẹo-mèo có thể giải thích qua các dạng âm cổ phục hồi như trên, từ âm tiết đến thanh điệu. Để giải thích sự thay đổi từ mèo qua thỏ/thố, ta cần có liên hệ của mãn-mèo qua hiện tượng rút gọn âm và vết tích từ các văn tự cổ : chữ thố và miễn (hay mãn HV wăn BK) viết cùng một chữ trên bia khắc thời Hán và nhà thờ Vũ Lương thời Đông Hán (13). Thành ra ta có cơ sở để cho rằng Mão-Mẹo đã từng là mèo, nhưng có sự thay đổi chữ viết, có thể vì cách dùng địa phương (nên triều đại đương quyền muốn chỉnh đốn lại) hay là cố tình bôi xoá nguồn gốc ‘Nam man’ của chi thứ tư chăng ? Hay có thể là đổi loài vật cho hợp với gốc du mục của nhóm cầm quyền ? Nhớ rằng chỉ có tộc Việt (14) mới dùng con mèo cho chi thứ tư mà thôi, các ngôn ngữ khác bị ảnh hưởng văn hoá TH đều dùng thỏ (xem bảng so sánh – bài viết phần 2).

.

6. Phụ chú và tài liệu tham khảo chính

(1) Bằng cách khôi phục lại môi trường sinh sống của 12 loài vật khi đi ngược dòng thời gian, ta có thể tìm ra được phần nào địa lý (vùng không gian) mà chủ nhân của 12 con giáp đã từng cư ngụ – do đó tăng mức chính xác về nguồn gốc tên 12 con giáp từ lăng kính thời gian và không gian. Đây là một trong những vấn đề còn mở ngõ. Một thí dụ gần đây hơn là loại thỏ sống trên núi bên Mỹ, gọi là pika, vì khí hậu thay đổi và nhiệt độ tăng dần làm cho chúng phải lên miền cao hơn để sống và có hiểm hoạ diệt chủng !

(2) Các bóng đen trên mặt trăng thật ra là các thung lũng do chất lỏng nóng (lava) từ các núi lửa xưa chảy xuống. Vì có nhiều chất sắc (iron) nên trở thành màu đen nếu quan sát bằng mắt trần hay viễn vọng kính (telescope) từ trái đất. Các bóng đen này gọi là maria (tiếng La Tinh nghĩa là biển) vì các nhà thiên văn xưa kia tưởng chúng là những hố lớn chứa nước … Chính các nhà khoa học từng lầm nữa huống chi những người bình thường dùng mắt trần. Các hình ảnh trên mặt trăng không rõ ràng như trên đã tạo ra không biết bao nhiêu huyền thoại tìm thấy qua bao nhiêu nền văn hoá con người.

(3) Hằng Nga hay Thường Nga, vợ Hậu Nghệ, lấy trộm thuốc trường sinh của Tây Vương Mẫu và bay lên cung trăng ở và sống mãi không chết (chuyện Thường Nga bôn nguyệt). Tương truyền Hằng Nga là cô gái rất đẹp.

(4) Kinh Thi là một trong Ngũ Kinh nổi tiếng của TH gồm có 305 bài thơ, có bài viết từ 1000 TCN (Trước Công Nguyên) – tương truyền Khổng Tử (551-479 TCN) có đóng góp trong việc soạn lại Kinh Thi.

(5) Hiện tượng (bệnh) sứt môi ít thấy trong các loài chó, và rất là hiếm thấy trong các loài mèo. Năm 2004, một loại gen đặc biêt đã được tìm thấy làm tăng gấp 3 lần khả năng bệnh này. Thổ dân Mỹ và người Á Châu
bị nhiều nhất so với dân Mỹ gốc Phi.

(6) xem thêm http://www.chinalanguage.com/cgi-bin/dict.php

(7) xem thêm http://www.china.org.cn/english/features/Archaeology

(8) phải cẩn thận khi so sánh những tiếng nói khi có thể chúng là tiếng tượng thanh (nhái lại tiếng động của đối tượng, sound symbolism) – rất có thể chúng không có liên hệ họ hàng (họ ngôn ngữ, language family) và các tính chất giống nhau là do sự nhái lại của cùng một âm thanh (cùng nguồn) mà thôi, hay sự trùng hợp có tính cách ngẫu nhiên (accidental). Đây là mục đích của các khảo cứu về nguồn gốc ngôn ngữ con người rất lí thú nhưng không nằm trong phạm trù các bài viết này. Để ý tiếng mèo kêu (thường lắp láy) là miaau (tiếng Afrikaans), mjau (Albani), miaou (Ả Rập), mijau (Croatia), miauw (Hà Lan), miaou (Pháp), miau (Đức), miau (Hungari), miyau (Do Thái), mya:u (tiếng Ấn Độ/Hindi), miao (Ý/Itali), meow (Thái), miyauv (Thổ Nhĩ Kỳ), miau (Ba Lan), mjau (Thuỵ Điển), myau (Nga) … so với nyaa (Nhật), ngeong (Inđônêsia), (n)ya-ong (Đại Hàn), ngoeo (Việt) …v.v… Nhưng khi xét các từ chỉ động vật như voi, chuồn chuồn, bướm, ong, mèo, cóc, vịt …cũng như tên 12 con giáp thì còn các vết tích trên trong vốn từ TH hiện nay, dù rằng rất hiếm và đã biến dạng nhiều từ âm thanh đến phạm trù nghĩa. Điều này cho thấy một kết quả của một ‘nước TH rời rạc’ đã từng tiếp xúc với các dân tộc phương Nam thời Thượng Cổ, trước khi TH thống nhất và ngôn ngữ phản ánh dân tộc cầm quyền phương Bắc mà hệ thống âm thanh rất khác so với phương Nam.

(9) xem thêm các tác giả William Baxter (sđd), Bernhard Karlgren (sđd) và Edwin G. Pulleyblank qua cuốn ‘Lexicon of reconstructed pronunciation in early Middle Chinese, late Middle Chinese and early Mandarin’ (1991), ‘Middle Chinese : a study in historical phonology’ (Vancouver, Canada 1984). Tác giả Nguyễn Tài Cẩn qua cuốn ‘Một số vấn đề về chữ Nôm’ (Hà Nội, 1985) và ‘Lịch sử ngữ âm tiếng Việt’ (Hà Nội, 1995) cũng phân tách các khuynh hướng biến âm trên như Lê Văn Quán qua cuốn ‘Nghiên cứu về chữ Nôm’ (Hà Nội, 1981)

(10) yêu HV có phạm trù nghĩa không rõ ràng : có thể là cái lưng, thận hay thường dùng hơn là cái eo. Các từ chỉ bộ phận con người như bàng (bả vai, cánh tay trên, bong bóng..), đỗ (bụng, dạ dày..), cổ (bắp vế, hông..) có nghĩa không chính xác vì quá rộng hay mơ hồ, và trải qua một thời gian rất lâu – tương ứng với hiện tượng đặt tên các loài thú như mèo-thỏ, rồng (không có định nghĩa rõ ràng), rắn (trăn, lươn ?) … Khuynh hướng phương Tây đi vào chi tiết các tên gọi như trong tiếng Anh, thỏ là rabbit, hare, pika, cottontail, bunny (hay bunny rabbit), coney (hay cony), buck (thỏ đực), doe (thỏ cái); Mèo tiếng Anh là cat, tom (mèo đực, hay tomcat), queen (mèo cái), một đàn mèo gọi là clowder …v.v… so sánh với hai chữ thỏ/thố và mèo trong vốn từ tiếng Việt. Các loài vật được phân loại theo họ, chi … theo hệ thống rõ ràng như sau (rất tóm tắt)

Phân loạiThỏMèo

Kingdom — Animalia – Animalia

Phylum — Chordata – Chordata

Class — Mammalia – Mammalia

Order — Lagomorpha – Carnivora

Family — Leporidae – Felidae

….. — …. — ….

Các chi được chia thành những chi động vật phụ (genus) như mèo (nhà) thuộc chi Felis, và nhánh phụ (species) là F. Silvestris …v.v… Những cách phân loại rõ ràng và dữ kiện về giải phẫu (anatomy), quá trình tiến hoá (evolution) làm cho ta dễ phân biệt hơn.

(11) thâm HV có thể liên hệ đến đêm, đen …là các tiếng thường gặp trong ngôn ngữ họ Nam Á (Austroasiatic) hay nhánh Môn-Khme. Tại sao như vậy ? Ta hãy nhìn từ đen của tiếng Mường là têm hay zơm (phụ âm t- và z- đầu, liên hệ đến t/đ- và sh-), bêtăm (tiếng Môn), tam/yong (Kơtu), đăm (Thái), đơm (Li), hitam (Mã Lai, Chăm) … so với từ đêm của tiếng Mường là lêm, têm và mlăm, pđăm (Chăm), rêm, mlăm (Thái), đăm (Nùng), đêm (Aslian), têm/tăm/đum, htêm, btêm (Môn) … cho thấy có thể các dạng trên đều cùng một gốc (phương Nam) mà ra. Trong vốn từ tiếng TH hiện nay có chữ đàm HV ít dùng với giọng BK bây giờ là tán, tam4 QĐ, tam2 Hẹ so với tham5 Ngô viết bằng bộ á nghĩa là sâu đậm. Đàm HV viết bằng bộ thuỷ hợp với chữ đàm HT nghĩa là cái đầm (sâu), đàm HV viết bằng bộ mã hợp với chữ đàm HT nghĩa là con ngựa đen… cho thấy tàn tích của *đam (đậm, đen) của phương Nam trong tiếng TH.

(12) hiện tượng rút ngắn âm cuối thường xẩy ra trong họ Ấn-Âu như trong tiếng Anh chữ morning trở thành morn, photograph trở thành photo, tên riêng Alexander trở thành Alex, Thomas thành Tom … Cinéma (tiếng Pháp) trở thành xi nê … Không những là một cách tạo ‘chữ’ mới, khuynh hướng rút gọn trên cũng là luật ngữ pháp căn bản cho một số ngôn ngữ như tiếng Tây Ban Nha : thí dụ như uno (một) nhưng khi viết thành un mundo (một thế giới) thì âm cuối –o của uno mất đi…v.v…

(13) chữ thố/thỏ và miễn viết giống nhau thời Xuân Thu theo các tác giả Triệu Bá Bình và Thời Học Tường, chủ biên cuốn “Lâm Ngữ Thú Thoại” – bản dịch ra tiếng Việt – NXB Văn Hoá Thông Tin – Hà Nội (2005)…’ âm đọc của thố và miễn rất gần nhau, do đó người xưa đã dùng âm đọc của miễn để biểu thị chữ oan…’ (trang 489)

(14) theo từ điển ‘Việt-Mông’ tác giả Thào Seo Sình, Phan Xuân Thành và Phan Thanh – NXB Giáo Dục – Hà Nội (1999) : chi thứ tư Mão đọc là mir (mèo) hay luôr (thỏ). Dân tộc Hmông (hay Mông, Mèo, Miêu) có những đặc tính giống tộc Việt như truyền thống con rồng cháu tiên, rất thích âm nhạc (nhảy múa), dùng trống đồng trong âm nhạc cổ truyền, cũng thuộc về bộ lạc Si Vưu …v.v… Người viết chưa đọc được một văn bản hay dữ kiện khảo cổ nào liên hệ tên 12 con giáp đến văn hoá cổ đại của dân tộc Mông, cũng như dân tộc Lê (ở đảo Hải Nam, thuộc nhóm Bách Việt) vẫn còn tập tục xăm mình và gọi tên ngày theo tên 12 con giáp. Đây là những vấn đề cần phải khảo cứu thêm để soi sáng rõ nguồn gốc tên 12 con giáp thời Thượng Cổ.

.

.

(Xem tiếp phần 5)

April 2, 2008 Posted by | Uncategorized | 9 Comments

Bai 17: Nguon goc Viet Nam cua ten 12 con giap (P.3)

Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp (phần 3)

Nguyễn Cung Thông

.

1. Giới thiệu tổng quát

Từ các bài viết trước ta đã thấy một số liên hệ sơ lược của tên 12 con giáp như /Tử/chuột, Ngọ/ngựa, Mão/Mẹo/mèo, Dần/*kian/kễnh (cọp), Thân/Khon/khọn (khỉ), Sửu/*ch-lư/klu/tlu (trâu). Phần này sẽ tóm tắt các tương quan còn lại giữa tên 12 con giáp và tên gọi các con vật trong tiếng Việt, Việt Cổ. Một lần nữa, nguời viết sẽ tránh dùng các thuật ngữ để bài viết dễ đọc và dễ cảm thông hơn. Với những tài liệu bằng chữ Hán, Nôm, Việt và ngoại ngữ hầu như đều hàm ý rằng nguồn gốc Trung Hoa (TH) của tên 12 con giáp, nên vấn đề đặt lại nguồn gốc không dễ dàng cũng như vượt qua bức tường rất cao và dày của ‘định kiến’ này qua bao ngàn năm.

Chúng ta hãy xem vài vết tích của tiếng Việt trong tiếng Hán (Cổ) để thấy khuynh hướng biến dần đi của vốn từ phương Nam trong tiếng Trung Hoa hiện đại qua các tên chỉ loài vật như ong, bướm …v..v… Nhắc lại rằng trong Phần 1 chúng ta đã duyệt qua tiếng cóc, voi, vịt, chuồn (chuồn) đã từng hiện diện trong tiếng TH dù rằng ít thấy. Từ khuynh hướng gọi tên các động vật, hi vọng chúng ta sẽ thấy rõ hơn tại sao tên 12 con giáp lại rất gần gũi với tộc Việt chứ không phải của TH như từ trước đến nay như mọi người đều lầm tưởng !

Ý thức được rằng sự thay đổi một định kiến đã nằm sâu trong xương tuỷ chúng ta từ bao ngàn năm nay thật là khó khăn, tuy vậy sự thật vẫn cần phải được đưa ra ánh sáng để các cuộc nghiên cứu trong tương lai có thể kiểm nghiệm một cách nghiêm túc, khách quan và theo đúng phong cách của khoa học hiện đại. Các bài viết 1, 2 và 3 chỉ tóm tắt rất sơ lược quan hệ tên 12 con giáp, những bài viết sau sẽ chi tiết hơn và phân tích từng tên mỗi con để thấy rõ nét các mối dây liên hệ đến tộc Việt. Phiên âm giọng Bắc Kinh theo lối Phiên Âm (pinyin) thường gặp hiện nay.

.

2. Tiếng Việt và tiếng Hán Cổ

2.1 Ong là động vật có nhiều gắn bó với văn hoá VN qua các thành ngữ như “nuôi ong tay áo” và ‘chạy như ong vỡ tổ”… cho thấy tâm lý con người. Danh từ ong được dùng 8 lần trong truyện Kiều so với bướm (7 lần)

“Tiếc thay một đoá trà mi

Con ong đã tỏ (mở) đường đi lối về” (câu 845-846, Kiều)

Ong viết bằng chữ Nôm thường gặp là bộ trùng hợp với chữ phùng (gặp) hài thanh (HT
), chữ này cũng chính là phong Hán Việt (HV) nghĩa là con ong – giọng Bắc Kinh (BK) bây giờ là feng1, Quảng Đông (QĐ) là fung1, Hẹ là fung1, bung1 … cho thấy tương quan ong-phong rất đặc biệt, có thể là cùng một gốc như qua các tương quan ông-công, ung-muống. Ông (bà) HV viết bằng bộ vũ hợp với chữ công, giọng BK bây giờ là weng1, weng3 so với jung1 QĐ, wung1, vung1 Hẹ và ong1 (Ngô), ang1 (Minnan/Đài Loan). Ngôn ngữ TH hiện nay không có nhiều tiếng bắt đầu bằng nguyên âm a, e, i/y, o/ơ, u … như tiếng Việt – các âm đầu này thường bị môi hoá hay ngạc hoá thành các dạng wu-, wo-, ya-, yu- … và biến đổi nhiều hơn để trở thành vo-, vu- (âm Hán thời Trung Cổ còn âm đầu v-) và fo-, fu- hay mo-, mu- … Thí dụ như úng HV (cái vò, hũ) viết bằng bộ ngoã (ngói) hay phữu (đồ sành) hợp với chữ ung HT, giọng BK bây giờ là weng4, yong1, yong2, yong3 so với giọng QĐ ung3, ngung3, ong3 và Hẹ là wung5, vung5 – so với ong1 (Ngô) và ang3 (Minnan). Có khi môi hoá để trở thành âm môi môi (phụ âm m) như ung HV, weng4/yong1 BK, ung3/ngung3 QĐ, wung5/jung1/rung1 Hẹ … mà tiếng Việt là rau muống. Thật ra chữ ong viết bằng ông HT là một chữ hiếm trong vốn từ TH hiện nay, tần số dùng1 là 21 trên 237243358, viết bằng bộ trùng hợp với chữ ông HT, giọng BK bây giờ là weng1, weng3 so với jung1 QĐ và vung1 Hẹ nghĩa là con ong vò vẽ. Chữ này đã có từ lâu, ít nhất là thời Hán khi Hứa Thận ghi lại trong Thuyết Văn Giải Tự là “…ông, trùng tại ngư mã bì giả…”. Khuynh hướng hiện nay dùng điệp từ (từ ghép) của tiếng TH làm nguồn gốc của phong (con ong) khó được nhận ra : như mìfeng1 (mật phong, nghĩa là con ong) hay huàngfeng1 (hoàng phong), măfeng1 (mã phong) chỉ con ong vò vẽ. Thường thì các từ HV như phòng, phóng, phụng, phủ, phi, Phật … có âm cổ hơn còn duy trì trong tiếng Việt là buồng, buông, bưng, búa, bay, Bụt … rất khác với liên hệ phong-ong. Một số tác giả như Lê Ngọc Trụ (“Tầm Nguyên Tự Điển VN” 1993) cho rằng ong có gốc là phong, nhưng ngược lại có một số tác giả khác lại cho rằng phong HV (feng1 BK) có gốc là ong (như theo Paul Benedict2 trong “Austro-Thai Language and Culture” 1975).

2.2 Bướm thường thấy qua từ láy ‘bươm bướm’ hay với nghĩa rộng hơn trong cách dùng ‘bay bướm’. Chữ Nôm viết bướm bằng bộ khẩu hoặc bộ trùng hợp với chữ biếm, hay bộ trùng hợp với chữ phạp (viết ngắn đi). So với tiếng Mường Thạch Bi là pươm, pướm (theo từ điển Mường-Việt, NXB Văn Hoá Dân Tộc, Nguyễn Văn Khang chủ biên, Hà Nội 2002), pung khamu (tiếng Môn), pung paq3 (Danaw), pungpaq (Riang), paipyang (Thái), pam pam (Khamu) … Trong vốn từ TH hiện nay có chữ péng BK, bang1 QĐ viết bằng bộ trùng hợp với chữ bằng HT (thành ra có thể đọc là bằng, bồng), theo người viết thì chữ này là tàn tích của âm bướm rất hiếm thấy so với các chữ dié BK (điệp HV), hú BK (hồ HV) hay chữ ghép hồ điệp đều có nghĩa là con bướm. Tuy nhiên, cũng trong vốn từ TH hiện nay ta còn thấy péng BK hay pung4 QĐ, pung2 Hẹ viết bằng bộ trúc hợp với chữ phùng HT có nghĩa là cái màn che, cái buồm. Cái buồm tiếng HV là phàm, hay fán BK với phụ âm đầu b- chính là âm cổ3 của phụ âm f- (ph-) còn được duy trì trong tiếng Việt. Như vậy có liên hệ gì giữa hai từ bướm và buồm tiếng Việt ? Tiếng Việt có đặc điểm là âm thanh gợi nhiều hình ảnh như âm –ong cho thấy một hìng dáng cong cong, vòng, móng, tròng, lòng thòng, lòng vòng … Theo người viết thì cánh buồm xưa kia có hình cánh bướm và đây là mối dây liên hệ – so với cách dùng con diều (điêu HV, giọng BK là yáo, yào) có hình cánh con diều hâu vậy. Bướm là động vật có trước, sau đó các tàu bè mới dựa vào hình dạng cánh bướm mà làm ra *bườm hay buồm – với thanh huyền để cho khác biệt. Cách dùng thanh điệu để chỉ hai việc khác biệt nhưng lại có những điểm giống nhau thường gặp trong tiếng Hán Cổ mà vết tích còn trong tiếng HV và Việt như đo (động từ) và độ (cũng dùng làm danh từ), hành (làm, động từ) và hạnh (danh từ), truyền và truyện, phân và phần … so với đấy và đây, ngày hôm kia và ngày hôm kỉa/kìa, trôi/trổi/trồi/trội …v…v…

Tóm lại trong tiếng TH hiện nay còn một số tiếng Việt Cổ và càng ngày càng mất dần đi có thể vì hệ thống âm điệu khác nhau hay có thể vì khuynh hướng cố tình đào thải các tiếng phương Nam của các chế độ phong kiến phương Bắc chăng ? Trường hợp của tên 12 con giáp rất đặc biệt : chúng đã làm nền tảng văn hoá và tín ngưỡng dân gian qua bao triều đại, và gốc rễ có quá nhiều thành ra không thế lực nào có thể cắt đứt hay bóp méo được nền văn hoá bình dân này4.

.

3. Tên các con giáp còn lại

3.1 Thìn/Thần HV, giọng BK bây giờ là chén – âm này có thể tương ứng với các âm trần, trầm, thần HV. Ngoài ra, âm chén BK đã từng có âm họng sau (velar) kh- theo Thuyết Văn Giải Tự – hay thần đọc như là *khân, điều này được Jerry Norman ghi nhận trong bài “ A note on the origin of the Chinese duode
nary cycle’ (trong cuốn “Linguistics of the Sino-Tibetan area” 1985). Phụ âm đầu kh- tương ứng với các dạng chỉ con trăn như tiếng Việt, tiếng Môn (klan, klon), Chrâu, Kơho (klăn) … Thêm vào đó là cách viết rất hiếm của chữ giao bằng bộ trùng hợp với chữ thìn bên phải có nghĩa là ‘.. hình dáng như con rắn nhưng lớn hơn và có sừng như rồng..” (Khang Hi Tự Điển, theo
Norman). Các dữ kiện này có thể giải thích phần nào con vật tượng trưng cho chi này là rồng. Tuy nhiên, theo người viết nếu phục hồi âm cổ của Thìn/Thần là *tsri(a)n thì ta có thể hiểu được các dạng sau này như Thìn/Thần, tlan (âm r chuyển thành l) và trăn, lươn (âm ts- mất đi), rắn, trình (loài cá giống con lươn), rồng/long (nguyên âm o thay cho a như nôm/nam, vốn/bản…) và khuynh hướng đơn âm hoá để cho ra các dạng từ ghép như tlăn > thằn lằn, *tlian > thuồng luồng … Các loài vật này đều có hìng cong vòng như con rồng5. Tiếng Thái gọi năm Thìn là bpee ma rohng cho thấy vết tích của dạng rồng trong các ngôn ngữ phương Nam.

3.2 Tỵ/Tị HV, giọng BK bây giờ là sì so với zi6 QĐ, Hẹ là ze5, cih5, si5, su5… Trong cách viết/khắc cổ TH của tên 12 con giáp thì Tỵ và Hợi là các chữ tượng hình cho thấy rõ nguồn gốc loài vật, nếu không kể các chữ khác ghi lại hình cây, đồ vật…. Cũng như chữ (Hán) của tên 12 con giáp6 thường được dùng làm thành phần HT trong quá trình thành lập chữ mới, trừ Tuất ít được dùng. Như vậy là ta có 10 trên 12 tên con vật là loại chữ HT, hay khoảng 83 % so với hơn 90 % chữ Hán hiện đại là loại HT (có tác giả cho rằng tỷ số HT có thể đến 97 %). Loại chữ tượng hình càng ngày càng ít đi và càng khó nhận ra hình dạng nguyên thuỷ (qua các đợt chỉnh lý và đơn giản hoá). Chữ Tỵ còn được dùng để chỉ ngày lễ Thượng Tỵ cầu mát vào đầu tháng Ba của nước Trịnh, điều này cho thấy tên 12 con giáp có thể đã hiện diện từ thời Xuân Thu (770-476 Trước Công Nguyên/TCN). Âm cổ phục hồi của Tỵ là *zji? theo William Baxter (“A Handbook of Old Chinese Phonology” 1992), theo người viết liên hệ đến rít hay rết tiếng Việt. Kasit (tiếng Mường Ruc) nghĩa là con rít (rết, rệt) cho thấy dạng âm cổ *sit, so với giọng BK thì phụ âm cuối –t thường mất đi như guó BK (quốc HV, còn duy trì âm cuối –c), lì BK (lực HV), fó BK (Phật HV), shí BK (thập HV, mười), qi1 BK (thất HV, bảy), zhí BK (chất HV) … Còn phụ âm đầu s- thường biến thành t- khi nhập vào tiếng Việt cũng như các chữ khác như sài BK (tái HV, cửa ải), sàn BK (tán HV), shàn BK (thiện HV), shàng BK (thương HV), suí BK (tuỳ HV), sì BK (tự HV, chùa), sòng BK (tụng HV, kiện) … Như vậy sì BK (Tỵ HV) có cơ sở giải thích theo dạng rít Việt, thêm vào đó là tương ứng s-r khi ta so sánh tiếng Mường và Việt (như răng có âm cổ là *săng, theo Vương Lộc trong “An Nam Dịch Ngữ – giới thiệu và chú giải” 1995), và liên hệ đồng đại trong tiếng Việt như siết-riết, sít-rít, sầu-rầu, sờ-rờ, xà-rà, súc-rút, sầm-rầm, xẻo-rẻo…. Tiếng Việt còn có cách dùng rắn rít cho thấy hai loài vật này rất gần với nhau, là những loài sống trong hang hốc, bò sát và có thể rất độc hại. Thành ra Tỵ có thể đã từng là rít cũng không khó hiểu cho lắm; Các di tích tìm thấy từ thời Tiên Tần còn cho thấy sâu bọ cũng từng là tên của các con giáp (theo Thường Tuấn trong “Văn hoá 12 con giáp” 2005). Tiếng Thái bây giờ gọi năm Tỵ là bpee ma seng cho thấy dạng seng hay *săng (rắn).

3.3 Tuất HV so với giọng BK bây giờ là xu1, seot1 QĐ được tượng trưng bằng con chó. Để ý Tý/Tí/Tử liên hệ đến chuột với biến âm t-ch thì Tuất cũng có thể liên hệ đến chó (qua phụ âm đầu). Tiếng Hán có chữ chúc/túc HV rất hiếm1 viết bằng bộ khuyển hợp với chữ túc HT (chân, cẳng) nghĩa là con chó nổi tiếng – giọng BK bây giờ là què, hú, qiăo, răn so với zoek3, coek3 QĐ cok7, sit7 Hẹ … Chữ này là một tàn tích của Tuất hàm nghĩa chó trong vốn từ TH hiện đại. So sánh các từ chỉ chó như chọ (tiếng Mường), cho (Sakai, Boloven), chuô (Kháng), txo (Danaw), xoq1 (Wa), choq (Sơđăng), axu, chuak, chook (Môn), xo (Kơho, Stiêng, Chơro), achoq (Chứt), xor (Savana), cho (Laqven, Biat) …v..v… cho thấy tiếng Môn còn duy trì dạng chuak (hay tuất). Tiếng Thái bây giờ gọi năm Tuất là bpee jaaw (năm chó).

3.4 Mùi/Vị HV – cách dùng thông thường của Mùi cho thấy dạng âm cổ hơn so với Vị HV gần với giọng BK bây giờ là wèi, giọng QĐ là mei6, Hẹ là mui5, mui6, mui3, vui5, wui5, Ngô là vi6, Minnan (Đài Loan) là bi7 … Các phương ngữ TH cho thấy rõ các biến âm b-v, m-v, w-v … cũng hiện diện trong tiếng HV và Việt. Liên hệ m-v còn thấy trong các cặp muôn-vạn, múa-vũ, mùa-vụ, mựa-vô, mù-vụ, muộn-vãn … Các dạng âm cổ phục hồi theo Jerry Norman hay các tác giả trước đây như *mjôdh đều không giải thích được mối liên hệ đến dê, nhưng dựa vào cặp mùi-vị, ta có thể khôi phục một dạng cổ là *mvji(e), để ý nhóm phụ âm mv- đọc như và giọng Nam (tiếng Việt), và từ đó ta có một dạng nữa là dê. Ngoài ra, nếu để ý tiếng kêu đặc thù của loài dê là ‘be be’ hay mị HV, mie1,
mi3, măi BK có nhiều cách viết khác nhau như dùng bộ khẩu, bộ dương (dê) cho thấy Mùi/Vị có thể có nguồn gốc tượng thanh – hay bắt chước tiếng kêu con vật cũng như chim cu, con quạ (ác), con mèo … cũng là một hiện tượng tự nhiên mà thôi. Tiếng Thái gọi năm Mùi là bpea ma mae tương đồng với dạng âm cổ *mvji trên.

3.5 Dậu HV so với giọng BK bây giờ là you3, jau5 QĐ … cũng chính là bộ thủ thứ 164 trong 214 bộ căn bản. Dậu và Tý (bộ thủ thứ 39) là hai chữ được dùng làm bộ thủ trong 12 chữ viết tên con giáp – điều này cho thấy sự quan trọng của các chữ và nghĩa này trong văn hoá TH. Nếu Tý hay Tử có nghĩa là con phản ánh liên hệ gia đình huyết tộc thì dậu biểu tượng cho rượu chè, một hoạt động căn bản của xã hội nông nghiệp. Tuy nhiên cả hai từ này đã bị ‘Hoa hoá’ quá lâu như trên nên chẳng thấy dính líu gì đến các loài vật ! Nhưng hình ảnh và các hoạt động con người từ từ lấn chiếm dần tên 12 con vật tổ (totem) này. Trong vốn từ TH hiện đại có chữ dậu HV, you3 BK viết bằng bộ điểu hợp với chữ hữu bên trái (rất hiếm) nghĩa là một loại chim giống loại trĩ, mà có thể coi như là loại gà (theo “VN Tự Điển” 1954), để ý rằng hai chữ trĩ và kê (gà) đều viết bằng bộ chuy (chim đuôi ngắn, bộ thủ thứ 171 trong 214 bộ). Theo người viết, đây là sợi dây gắn liền dậu và gà mà ta vẫn còn thấy vết tích trong chữ cổ (hiếm) TH. Thêm vào đó, một cách giải thích khác theo tác giả Jerry Norman (sđd, 1985) dựa trên kết quả nghiên cứu của André Haudricourt (1965) rằng các phụ âm v, d, g của tiếng Mường và Việt có thể là vết tích của các tiền tố cổ.

Từ đó, Norman đưa ra dạng âm cổ phục hồi của gà là *rơka hay *ruka. Theo người viết thì quá trình mất tiền tố này cũng giống như dạng kasit cho ra *sit hay rít đã nói ở phần Tý trên. Tác giả Hồ Lê cũng ghi nhận gà là từ Nam Á (Austroasiatic) trong bài viết “Từ Nam Á trong tiếng Việt” (trong cuốn “Tiếng Việt trong nhà trường phổ thông và các ngôn ngữ dân tộc” NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội 2002). Tiếng Thái gọi năm Dậu là bpe gai (năm kê hay gà) hay là bpee ra gaa (năm gà) phù hợp với các dạng Mường.

3.6 Hợi HV so với giọng BK bây giờ là hài, QĐ là hoi6. Âm cổ phục hồI có dạng *goi/kui – liên hệ của hợi và heo có thể thấy được qua tiếng Mường củi/kun/kul : phụ âm đầu h-k cùng vị trí phát âm nên dễ hoán chuyển cho nhau như hữu-có, hồ-cò (hồ cầm là đàn cò), Hùng-khun (vua/thủ lãnh dân Mường), Hán-khan (lãnh tụ), hộ-cửa, hơi-khói/khí, hầu-khỉ, hoá-của … Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (Huỳnh Tịnh Của, 1895) còn ghi là “..cá cúi : thứ cá biển nhiều mỡ như heo, cũng gọi là heo biển; Heo cúi : tiếng đôi nghĩa là con heo..” (trang 201). Gỏi có thể đã từng làm bằng thịt heo, nhưng nghĩa đã mở rộng để chỉ cá, tôm, gà … trộn với rau. Theo Jerry Norman (sđd) thì gỏi có nghĩa là heo (tiếng Việt Cổ) ?? Không những Hợi liên hệ đến heo/lợn qua tiếng Mường hay Việt Cổ nhưng tàn tích có thể hiện diện trong vốn từ TH hiện đại. Có vài chữ mà theo người viết là các dạng khác nhau của Hợi hay *hị và *hệ (so sánh với các biến âm thi/thơ/thư, kỳ/cờ, thị/chợ, li/rời, di/dời, vị/bởi, ti/tơ, bị/bới/búi…). Chữ hê/hề/hệ với giọng BK bây giờ là xi1, hei1, sik1 QĐ viết bằng bộ khuyển hợp với chữ hí/hô/huy HT có nghĩa là con heo – chữ này rất ít thấy1 (hiếm). Một chữ nữa thường gặp hơn là HV so với giọng BK bây giờ là hei1, héi viết bằng bộ thỉ hợp với chữ hi HT – cũng chỉ con heo/lợn nhưng không thông dụng bằng các chữ khác như trư, thỉ, trề, ba … Vết tích của liên hệ hợi-cúi còn thấy trong chữ hui1 BK (hay hôi/huy/khôi HV) viết bằng bộ thỉ hợp với chữ thổ1 bên phải nghĩa là con heo. Tiếng Thái bây giờ gọi năm Hợi là bpee goon – để ý dạng cun là con heo của tiếng Mường – cho thấy tiếng Thái vẫn còn duy trì một số tiếng Việt Cổ và là một dây nối quan trọng để hiểu rõ hơn nguồn gốc tên 12 con giáp.

.

Như vậy là ta đã xem qua tên 12 con giáp, thoạt nhìn thì các từ HV Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi có vẻ như có gốc Tàu – nhưng tra kỹ ra thì thấy rõ những mối dây liên hệ với các ngôn ngữ phương Nam – đặc biệt nhất là tiếng Việt và Việt Cổ qua tiếng Mường và họ Môn-Khme. Điều này càng dễ hiểu nếu ta nhìn rộng ra các tên loài vật vẫn còn tàn tích trong vốn từ TH hiện đại, tuy càng ngày chúng càng bị đào thải vì hệ thống âm thanh không phù hợp hay vì các đợt ‘chỉnh lý’, ‘đơn gi
ản hoá’ chữ viết cùng khuynh hướng cố tình bôi xoá ảnh hưởng từ phương Nam khi nền văn hoá này khởi sắc trước thời Tần. Với ảnh hưởng quan trọng của nền văn hoá TH từ đời Hán và sau đó từ đời Đường, Tống… với sức ép của nhóm thống trị từ phương Bắc tràn xuống, các tên 12 con vật tổ đã từ từ thay thế bằng hình ảnh con người, mang nặng màu sắc văn hoá TH hơn. Từ tính chất cụ thể của các loài vật láng giềng, 12 con giáp đã trở nên trừu tượng và còn ảnh hưởng đến vận mạng con người nữa (bói toán). Tuy nhiên, cái vỏ hào nhoáng của chữ Hán, Hán Việt không thể thay đổi được nền văn hoá bình dân (khẩu ngữ), trong đó dân ta vẫn coi mèo là biểu tượng của chi Mão ! Chính vì thế mà ta phải đặt lại vấn đề nguồn gốc của tên 12 con giáp, đúng theo tinh thần của người trước gói ghém trong câu :

“Trăm năm bia đá thì mòn

“Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

.

4. Phụ chú và phê bình thêm

(1) Dữ kiện về tần số dùng của các chữ Hán hiện đại dựa vào tài liệu trên mạng Internet www.chinalanguage.com/cgi-bin/dict.php. Các chữ hiếm có tần số dùng rất thấp, thường rất ít gặp trong các tự điển hiện đại.

(2) Ong có âm cổ phục hồi hệ Nam Thái (Austro-Thai) theo Benedict là *bluung không phù hợp với các dạng QĐ, Hẹ, Việt. Nếu xem các cấu tạo chữ Hán, ta thấy ông thường đuợc dùng làm thành phần HT. Chữ này lại được viết bằng bộ vũ hợp với chữ công cho thấy dạng âm cổ ô- hay hô-, kô- … Xem qua các ngôn ngữ láng giềng ta thấy tiếng East Mnông có ?uong (? chỉ âm bật thanh quản/glottal stop) để chỉ con ong, so với ?ong (tiếng Mường, Bahna, Stiêng, Chrau, Kơho, Sơđăng) theo Paul Sidwell trong cuốn “Proto South Bahnaric” (2000). Sidwell ghi nhận âm cổ phục hồi của tiếng tiền Katuic (Proto-Katuic) là *hang, tiếng tiền Waic là *?ong, *anh, tiếng tiền Chàm là *hong so với huing (tiếng Môn), wong/wol (Riang), ong (Wa), on (Paluang), hong (Besisi), cong (Semang, một dạng Bahna). Các tương quan trên, nhất là từ các ngôn ngữ không có nhiều giao lưu với TH, cho thấy feng1 BK (phong HV) rất có thể là từ mượn từ các dân tộc ở phương Nam từ Thượng Cổ. Tiếng Thái có chữ pheungF đọc như phương tiếng Việt, có thể là ảnh hưởng của tiếng TH Trung Cổ – cùng thời với sự xâm nhập và phát triển có hệ thống của tiếng HV thời Đường Tống.

(3) Biến âm b-ph/f rất thường gặp trong ngôn ngữ như qua định luật Grimm trong họ Ấn Âu… Trên phương diện lịch đại ta thấy các cặp từ bỏ-phế, bài-phé, buồng-phòng, buông-phóng, bộ-pho, búa-phủ, bổ/bửa-phẩu/phẫu, bể-phá, bè-phái, bay-phi, bưng-phụng, buồn-phiền, buồm-phàm, bún-phấn, buộc-phọc, bèo-phiêu, bào-phao, Bụt-Phật … ngay cả trên phương diện đồng đại ta thấy bỏng-phỏng, bình-bịch hay bành-bạch, phành phạch … tuy không phổ thông cho lắm. Như vậy thì b- dẫn đến ph- hay ngược lại ? Nếu xem chữ Bụt (từ tiếng Phạn Budh-) để cho ra chữ Phật HV so với chữ Bụt đi thẳng vào tiếng Việt thì rõ ràng là b- đã hiện diện trước ph- . Ngoài ra khi dùng từ ghép trong tiếng Việt thì chữ có trước thường đi trước như buồn-phiền, bè-phái, bỏ-phế….. Thêm vào đó là các âm mạnh (strong sound) như b- có khuynh hướng trở thành âm yếu như p-, ph/f- hay âm vang trở thành âm điếc : hiện tượng này gọi là nhược hoá (lenition hay weakening).

(4) Thật ra thì đã có những hoạt động thay đổi hoặc ‘chỉnh lý’ các tên như người viết đã từng nêu lên trong bài viết (phần 2) : mãn (mèo) hay miễn thay bằng thố (thỏ), nhưng dân Việt vẫn khăng khăng giữ tên gọi Mão để chỉ con mèo chứ không dùng thỏ. May thay, chính văn hoá truyền khẩu lại duy trì được nghĩa nguyên thuỷ, chứ nếu dựa vào chữ Hán sau nhiều đợt ‘chỉnh lý’ thì có thể không truy được ngọn ngành cho thoả đáng !

(5) Tác giả Trần Ngọc Thêm trong cuốn “Cơ sở văn hoá VN” NXB Giáo Dục – Thành Phố HCM (1999) đã ghi nhận rồng x
uất phát từ vùng Đông Nam Á và ảnh hưởng đến văn hoá TH (trang 135). Điều này phù hợp với dạng âm cổ phục hồi *tsri(a)n để cho ra các tiếng khác như trăn, rắn, rồng, lươn, thuồng luồng, thằn lằn …

(6) qua khung cửa rất nhỏ của tên và cách viết 12 con giáp, ta có thể tìm thấy nhiều dữ kiện đặc biệt của tiếng TH, tiếng HV, Việt … và qua các cách viết cổ của chúng, ta có thể tìm lại được phần nào nền văn hoá cổ đại của phương Đông như sự ‘kính nể’ các loài vật tín ngưỡng thờ các loài vật, dùng chúng làm totem ..v..v..

.

5. Đính chính và bổ túc

5.1 Vì phải tranh thủ thời gian để đánh các bài viết này, nên người viết không thể nào tránh được một số lỗi thông thường như bỏ dấu sai, thiếu/lộn nét, quá tóm tắt, ý mơ hồ … Thí dụ như trong phần 2 dòng 7 trang 1, gióng lên viết là ‘giống lên’; Trang 2 dòng 1 ‘on’ và ‘kun’ đổi cho nhau ..v..v…

5.2 Đáng lẽ phải chêm một số chữ Hán để cho rõ nghĩa cho các bài viết này, nhưng vì đa số chữ Hán dùng trong bài viết là loại chữ hiếm không dễ dán vào, người viết vẫn còn đang tìm loại fonts cổ điển và thích hợp để giải quyết vấn nạn này. Tuy nhiên, hi vọng bằng cách ghi lại bộ thủ và thành phần HT, mức độ sai trái sẽ giảm thiểu tối đa.

5.3 Quý độc giả muốn trao đổi thêm ý kiến để chúng ta cùng học hỏi thêm, xin liên lạc với Ban Biên Tập của khoahoc.net hay người viết qua địa chỉ email nguyencungthong@yahoo.com, mong rằng “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’ trong biển học vô cùng vậy.

.

(Xem tiếp phần 4)

April 1, 2008 Posted by | Uncategorized | Leave a comment

Bai 17 : Nguon goc Viet Nam cua ten 12 con giap (P.2)

Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp (phần 2)

Nguyễn Cung Thông (15 tháng 06 năm 2006)

(Tổng hợp của bài này nằm ở (15), Mục 4 (phụ chú))

.

1. Tổng quát

Từ phần 1, với một cách phân tích đơn giản ta thấy là 12 con giáp liên hệ đến cách gọi tên con vật trong tiếng Việt qua 3 chi Mão/Mẹo/mèo, Ngọ/ngựa và Tý/Tử/chuột. Các phần đầu 1, 2 có mục đích là giới thiệu tổng quát về tên 12 con giáp và đặt nền tảng cho các phần sau chi tiết hơn (phần 3 về sau bàn về tên mỗi con giáp). Người viết cố tránh dùng các thuật ngữ để cho dễ đọc và dễ cảm nhận hơn. Tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người về nguồn gốc phi-Trung-Hoa của tên con giáp thật ra đã được giống lên từ những công trình khảo cứu ngôn ngữ học của vùng Đông Nam Á từ thập niên 1930, bởi các tác giả nước ngoài, đáng lẽ phải từ các nghiên cứu khảo cổ hay lịch sử và văn hoá dân gian của dân địa phương mới ‘hợp lý’ và ‘hợp tình’. Nhưng có thể vì những cuộc chiến tranh tàn khốc trong khu vực này trong cả thế kỷ qua nên không cho ra bao nhiêu kết quả chính xác. Thêm vào đó là lịch sử rất lâu đời của vùng Đông Nam Á, cùng với nhiều đợt giao lưu văn hoá qua đường biển cũng như trong đất liền, làm cho quá trình nghiên cứu không được mấy dễ dàng.

Điều đầu tiên là lập bảng so sánh tên 12 con giáp của các ngôn ngữ trong vùng như sau. Để ý một nước có thể dùng nhiều bảng con giáp(1) (VN có ít nhất là 3 bảng) và sự thay đổi nghĩa của một số chi như rồng trở nên con naga (ảnh hưởng của Ấn Giáo, một loài vật huyền thoại nửa voi nửa rắn, có khi nửa người nửa rắn, nửa người nửa tiên…), gà trở thành con chim (theo Tây Tạng, gà thuộc vào loài chim – gà là con vật duy nhất có cánh trong 12 con thú), sự phân biệt giống đực hay cái (gà trống, dê đực …) thay vì tổng quát, có cả sâu bọ(2), heo thành voi theo một cách ghi 12 con giáp của Thái Lan, bị ảnh hưởng tiếng Phạn Nam/Pali. Pali hay tiếng Phạn Nam (phía Nam) có gốc là tiếng Phạn Cổ (classical Sanscrit) nhưng đơn giản hơn, các kinh điển của Phật Giáo đầu tiên được chép bằng tiếng Pali và truyền từ Sri Lanka đến Miến Điện (Myanmar), Thái Lan, Kampuchia, Việt Nam (phần nhỏ) … thuộc phái Tiểu Thừa (Theravada) so với phái Đại Thừa (Mahayana) truyền từ TH qua. Các ngôn ngữ dân tộc thiểu số được dùng để so sánh hầu tìm ra các dây liên hệ như tiếng Saek đang có hiểm hoạ diệt vong, thuộc dòng Thái-Kadai và chỉ dùng trong vài làng bên Lào và Thái Lan. Tiếng Yay cũng giống như tiếng Dioi cùng thuộc dòng Thái. Tiếng Ahom đã từng hiện diện ở Assam, bây giờ không còn nữa và chỉ dùng trong các hoạt động tôn giáo địa phương. Dân tộc Ahom có gốc từ tỉnh Vân Nam, di dân xuống miền Đông Nam Á Châu và Bắc Miến Điện.

.

2. Bảng so sánh các tên 12 con giáp Á Châu

.

.

.

.

(A) thoạt xem tên 12 con giáp bằng tiếng Thái (tên gọi chính thức/formal names) ta thấy rất gần với nghĩa chúng qua tiếng Việt ! Thí dụ như tý/tí/tử là chuat3 hay chuat3 (3 nghĩa là falling tone, thanh điệu thứ 3 đi xuống gần như dấu huyền tiếng Việt, trong phần này không ghi thanh điệu cho đơn giản) – dạng chuat3 rất gần với chuột tiếng Việt – tuy nhiên, chuat lại không có nghĩa con chuột trong tiếng Thái (mà là nuu). Điều này cho thấy rằng tiếng Thái đã mượn từ các tên tiếng Việt, cũng như các dạng khan (kễnh, cọp – năm cọp chính thức gọi là bpee khan nhưng thông thường hơn là bpe seuua), roong1 (rồng – năm rồng chính thức gọi là bpee ma roong1 hay thông thường hơn là bpee nguu yai, nguu là con rắn), rakaa1 (gà – năm gà chính thức gọi là bpe rakaa1 nhưng thông thường hơn là bpee gai) …v..v.. Chính các tên gọi của Thái là chiếc cầu nối giữa tiếng Việt, Cổ Việt, Mường, Hán Việt : cũng như Cha luu5 là một dạng khác của k-lu (biến âm k-ch/gi- như Bắc Kinh/Beijing, kông/klông/giang đã ghi lại nhiều lần trong các bài viết trước – xem bài “Nguồn gốc nhóm từ sông Cửu Long” cùng tác giả), klu hay tlu (Mường) chính là tru/trâu tiếng Việt, kbây, krobây (Khme)…. Trâu, bò không có dạng này trong tiếng Thái hiện tại, năm sửu chính thức gọi là bpe cha luu5 so với cách gọi bình dân là bpee wuaa, wuaa hay khoh chỉ con trâu, bò … Còn biến âm kl-s còn thấy khi so sánh tiếng Mường và Việt : klu-sửu (trâu), klong-sông, khláng-sáng3 (Mường Poọng, khlau/krau-sau (Mường Hung), khlt/klăt-sắt, kru-sâu (Mường Uý Lô) …. Có khi âm –l- mất hẳn để cho các dạng khang-sang, khao-sao4 …Trở lại với các cách gọi tên 12 con giáp trong cùng một ngôn ngữ, cách gọi chính thức được người viết xếp vào loại ‘bác học’ (BH) vì cần phải học mới biết rõ ràng so với cách gọi ‘bình dân’ (BD) qua các tên con thú. Sự phân hoá thành ra ít nhất hai loại văn chương BH và BD không chỉ xẩy ra qua khung cửa của tên 12 con giáp, nhưng còn làm cho vốn từ Hán Việt và Việt thêm phong phú.

(B) theo bài “A note on the origin of the Chinese duodenary cycle” của Jerry Norman đăng trong cuốn “Linguistics of the Sino-Tibetan area – the state of the art” 1985, bài này ghi lại và bàn thêm về các dữ kiện từ bài “L’origine du cycle des douzes animaux au Cambodge” viết từ năm 1935 bởi George Coedès.

(C) Theo tài liệu đăng trên mạng Internet của Wikipedia, chủ đề Chinese Astrology – tên các tháng của dân tộc Hung (Hunnish) hay dân tộc Thổ-Bungari (Turkic Bulgarian) có nhiều trùng hợp với tên 12 con giáp – có lẽ đây là các dân tộc ở xa TH nhất trên phương diện địa lý mà vẫn dùng hệ thống này (so với Nhật, Lào, Thái Lan, Viêt Nam…) và có thể qua con đường buôn bán tơ lụa (the Silk Road). Tiếng Hung hay Thổ-Bungari không liên hệ gì đến tiếng TH hay ngữ hệ Hán-Tạng. Các tên tháng theo thứ tự có nghĩa là con chuột, trâu, cọp … đến con heo rừng cũng như thứ tự và tên 12 con giáp TH.

(D) Người viết chưa từng thấy bảng tiếng Việt này – cho tới khi đọc cuốn “Encyclopaedia of Asian Civilisation” – NXB Louis Frédéric (1984), Éditions Jean-Michel Place. Chú ý các từ thử HV dùng để gọi chuột, khôi để gọi Thân…

(E) Theo tác giả William G. Boltz trong bài viết “The Old Chinese Terrestrial rames in Saek” (in trong cuốn “Studies in the Historical Phonology of Asian Languages” chủ biên William G. Boltz và Michael C. Shapiro, NXB John Benjamin, 1991) thì các ngôn ngữ Lu và Pu-Yi (đều thuộc dòng Thái) có các dữ kiện sau (tóm tắt lại với các số đứng sau chỉ thanh điệu)

.


.

3. Các giả thuyết dựa trên ngôn ngữ học

Nguồn gốc tên 12 con giáp đã được nhiều học giả ngoại quốc nghiên cứu :

George Coèdes (1935) sau khi so sánh tên 12 con giáp(5) của Xiêm và Kampuchia đã đi đến kết luận là chúng có nguồn gốc tiếng Mường Cổ. Ộng đã viết nhiều về các ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ trong vùng Đông Nam Á, tuy nhiên không đưa ra một liên hệ gì về tên 12 con giáp với Ấn Độ.

Học giả TH Li Fang-Kuei (1945) chuyên khảo về tiếng Thái(6) đã phân tách thập can và thập nhị chi qua các ngôn ngữ Thái và đưa ra nhận định rằng tiếng Thái vẫn còn duy trì một số phụ âm Hán Cổ như pl-, zng-, sm- tuy không nhất quyết xác định được nguồn gốc tên 12 con giáp từ đâu ra.

Sau đó là các công trình của học giả Paul K. Benedict, vào năm 1967 ông đề nghị thập nhị chi có nguồn gốc Nam-Thái (Austro-Thai)(7) trong bài viết về Văn Hoá và Ngôn Ngữ Nam-Á, và dựa trên các liên hệ của âm ngựa (Ngọ), chó (Tuất) và heo (Hợi). Năm 1975, ông viết cuốn “Austro-Thai Language and Culture” khai triển các ý từ những năm trước. Ông đưa ra các dữ kiện của các ngôn ngữ địa phương để đi đến kết luận rằng tiếng TH đã mượn một số tiếng Nam-Thái như trứng, gà, ngựa, yên (ngựa), cỡi ngựa, voi, ngà, lợn (heo), thỏ, trâu bò … nuôi lấy thịt, ong, mật, gạo, mía, muối …v…v… và điều đáng chú ý và oái ăm là sau đó, các ngôn ngữ vùng Đông Nam Á đã phải mượn lại các từ ngữ mà mình cho TH mượn trước kia ! Thí dụ như các từ trà, giấy … Cũng theo Benedict thì có những tính chất đặc thù bắt nguồn từ văn hoá Nam-Thái như phép tính 12 con giáp mà nhiều người tưởng là của TH. Ông ghi nhận rằng chữ ngựa trong tiếng Lê (Li, dân bản xứ đảo Hải Nam) là nga/ka và là một bằng chứng là mã và ngựa có liên hệ, sau khi so sánh và đề nghị dạng âm cổ phục hồi của ngựa trong tiếng Inđônêsia và Mã lai là *t’anga, tác giả đề nghị âm cổ Nam-Thái là *sanga. Cuối cùng kết luận bằng cách đưa ra một giả thuyết rằng có thể một ngôn ngữ cổ Nam-Thái đã từng hiện diện trong vùng Đông Nam Á, mà ông gọi là AT-x và đã cho TH mượn nhiều từ căn bản.

Tác giả Jerry Norman (1985) cũng dựa vào các dữ kiện từ tiếng Thái, Hán Việt, Việt và TH, Mường để chứng minh rằng tên 12 con giáp có nguồn gốc từ phương Nam (Austroasiatic, Nam Á). Ngoài 3 từ Ngọ, Tuất, Hợi, Norman(8) còn liên hệ 4 từ Sửu, Thìn, Mùi, Dậu với các tiếng phương Nam – bài viết trên thật ra là từ một bài viết cùng với tác giả Mei Tsu-Lin (1976) về các từ TH có nguồn gốc phương Nam.

Các tác giả đã đi đến một kết luận là chủ nhân tên 12 con giáp có thể đã ở khu vực bờ biển Đông Nam TH, và có thể là các nước Ngô hay Việt thời xưa. Gần đây hơn, trong bài viết về 12 con giáp của William G. Boltz(9) (1991), ông ghi lại một số bảng so sánh gồm có các tiếng Saek, trích từ tài liệu của giáo sư William Gedney (1982). Sau khi phân tích các dữ kiện, tác giả kết luận rằng bảng 12 con giáp của tiếng Saek Cổ (mà Gedney chép lại) là vay mượn từ TH, có lẽ khoảng 200 hay 600 năm sau Công Nguyên (SCN), và 12 con giáp VN có lẽ mượn sau đó nữa (thời kỳ Late Middle Chinese).

Từ năm 2000, người viết(10) đã cho ra các bài (kết hợp từ nhiều năm trước) bàn về tên 12 con giáp để cho thấy nguồn gốc VN. Các tác giả trước đây không ai đề nghị nguồn gốc VN của 12 con giáp, có lẽ gần nhất là tiếng Mường Cổ mà thôi. Thêm vào đó là những học giả ‘có uy tín’ trong nước như Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn … cũng như các học giả TH đều viết nhiều về văn hoá VN nhưng đều hàm ý nguồn gốc TH của 12 con giáp, tuy không ai dựa trên dữ kiện ngôn ngữ học cả và đa số dựa trên tài liệu lịch sử và văn chương cổ điển. Ngôn Ngữ Học nói chung, và Âm Ngữ Học Lịch Sử (Historical Phonology) nói riêng là những ngành học khá mới mẻ ở VN và TH.

Như đã viết ở phần 1, ta đã thiết lập liên hệ Mão/Mẹo/mèo, Ngọ/ngựa Tý/Tử/chuột. Dựa vào cách cấu tạo chữ Hán, cũng như kết quả mà các tác giả phần trên đã dầy công nghiên cứu, ta có thể khám phá thêm một số chi tiết mà các vị trên chưa biết tới, có lẽ vì không biết đến tiếng Việt Cổ chăng ?

Thí dụ như chi thứ 9 là Thân có liên hệ gì đến con khỉ VN ? Nếu ta xem cách viết chữ Thân viết bằng bộ điền với nét giữa dài hơn, giọng BK bây giờ là shēn (viết theo pinyin), được phục hồi âm cổ với dạng *khrin (Li Fang-Kuei 1971, William Boltz 1991), hay dạng *hljin (William Baxter11 1992 – để ý phụ âm r và l dễ hoán chuyển cho nhau). Nếu xem cách viết chữ khôn (một trong bát quái, một căn bản của Kinh Dịch có từ thời Thượng Cổ) thì ta thấy bộ thổ hợp với chữ Thân hài thanh (HT). Đây là liên hệ trực tiếp giữa Thân và khôn, tuy nhiên tiếng Việt Cổ có chữ khọn là con khỉ(12) (theo “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị”/ ĐNQATV, Huỳnh Tịnh Của, 1895 – lặp lại trong cuốn “Từ Điển Từ Việt Cổ”, Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện 2001). Thành ra Thân chính là khỉ, tiếng Việt Cổ, dầu rằng biến âm th-kh rất hiếm(13)vì âm thanh thay đổi qua hơn hai ngàn năm từ một gốc chung, sau đó lại gặp nhau trong tiếng Việt – so với liên hệ rất thường gặp từ tiếng TH qua tiếng Việt như sh-th của shuĭ BK/thuỷ HV (nước), shén/thần, shèn/thận (- trọng), shěn/thẩm (biết), shàn/thiện, shí/thập, shì/thích, shù/thụ (cây)…phản ánh quá trình tiếng TH nhập vào tiếng Việt thời Đường Tống một cách có hệ thống hơn. Tàn tích của biến âm th-kh còn thấy trong tiếng Việt như khoá/toả, khâu/thêu, khắp/tạp …

Còn Dần có dính líu gì đến cọp ? Dần HV viết bằng bộ miên, giọng BK bây giờ là yín, jan4 QĐ, Hẹ là jin2, rin2 – xem cách viết cổ thì thấy hình mái nhà (bộ miên) với một người ở trong đang dâng lễ vật bằng hai tay đưa lên (hàm ý cung kính). Thật ra nghĩa thông dụng của dần trong tiếng TH hiện đại là kính trọng. Các âm tương ứng với yín BK bây giờ trong tiếng Việt thường là d- như yín (dâm), yíng (doanh), yóu (du), yòu (dụ) … tuy nhiên có những trường hợp yín BK tương ứng với âm ngạc sau (postpalatal) như yín/ngân (bạc), yín/ngâm (vịnh) … và yínyín là tiếng chó sủa (so với tiếng Việt ‘gấu gấu’) ..và đôi lúc mất hẳng âm đầu đi như yìn/ẩn, yīn/âm (lặng im) : âm viết bằng bộ khẩu hợp với chữ âm (thanh) HT hay bộ nạch (bệnh) cho thấy tiếng Việt còn duy trì dạng cổ hơn, đó là câm với âm ngạc sau k- , so với một cách đọc QĐ là ngam1- các dạng tương đương khác đáng chú ý là khản, khàn, khan. Các biến âm trên xẩy ra trong một thời gian rất dài, tuy nhiên khác với âm d- HV nhập vào tiếng Việt một cách có hệ thống hơn. Với cùng một nghĩa (dần,kính,cẩn), và dựa trên tàn tích của âm ngạc sau trong tiếng Việt (chứ không phải tiếng HV) cho ta đến một dạng âm cổ phục hồi của Dần là *kan, dạng này phù hợp với các dạng(14) bây giờ của Dần trong tiếng saek, Thái, Khme … Nhưng liên hệ trong tiếng Việt và HV còn có a-e hay a-ê như hạ-hè, trà-che, hoạ-vẹ … và phá-bể, giá-kệ/kê, gà-kê … Thành ra *kan có thể là *kên hay *kênh. Dạng phục hồi *kênh tương ứng với tiếng Việt Cổ kễnh chính là con cọp, như vậy ta có liên hệ giữa tên con giáp Dần và tên con cọp. Câu ca dao sau nói lên phần nào vai trò con mèo (Mão/Mẹo) và kễnh trong văn hoá dân gian

.
Mèo tha miếng thịt xôn xao
Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi”
.

Ý tứ và cách dùng các con vật như mèo và kễnh như trong ca dao của VN trên thật là xa lạ với văn hoá TH. Qua các phân tách sơ khởi trên – và chỉ qua 6 liên hệ Mão/Mẹo/mèo, Ngọ/ngựa, Tý/Tử/chuột, Thân/khọn (khỉ), Dần/kễnh (cọp), Sửu/tlu (trâu) – ta thấy tên các con giáp càng gần gũi với tộc Việt hơn. Các lý giải phần sau sẽ cho thấy rõ hơn nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp sau khi đã tháo gỡ các lớp bụi thời gian cũng như cạo đi các lớp son phấn vô tình hay cố ý mà người xưa để lại trong ngôn ngữ.

.


4. Phụ chú

(1) Ta thường nghe nói tuổi chuột, tuổi con chuột hay tuổi Tý … các cách nói này đều cùng nghĩa là năm sinh vào năm con chuột (năm Tý). Thành ra có thể có nhiều bảng cùng chỉ 12 con giáp trong ngôn ngữ, từ tiếng HV đến tiếng ‘thuần Việt’ cho thấy sự phân cực thành văn chương BH so với BD…v…v… Lê Quý Đôn (1726-1784) trong “Vân Đài Loại Ngữ” (người viết có hai bản dịch : Trần Văn Giáp, NXB Văn Hoá Thông Tin 2006 và bản của các tác giả Phạm Vũ, Lê Hiền do Nhà Sách Tự Lực in) cũng không đề cập đến mèo mà ghi Tý là thỏ, điều này cho thấy hoàn cảnh phức tạp khi dùng tài liệu TH, nhiều khi không hợp với cách dùng thông thường của đa số quần chúng (văn chương BD). Trong cuốn tự điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (1651) ra đời trước “Vân Đài Loại Ngữ” khoảng hai trăm năm, tác giả đã ghi nhận giờ mẹo là giờ mèo (con mèo). Nhìn bảng so sánh trên qua tiếng Saek Cổ và hiện đại, ta thấy Mão/Mẹo hiện diện trong ngôn ngữ cổ hơn, như thỏ (nhập từ tiếng TH) bắt đầu có mặt trong ti
ếng Xiêm . Trên phương diện tín ngưỡng dân gian, có người tin rằng có những tuổi hợp và khắc nhau (tạo ra bao nhiêu tình duyên ngang trái) kết hợp thành nhiều trường phái ‘bói toán’, chỉ làm tên 12 con giáp ở sau ‘hậu trường’ trở nên ‘bất tử’ mà thôi.

.

(2) Theo tác giả Thường Tuấn (Đại Học Thượng Hải) trong cuốn “Văn Hoá về 12 con giáp”, NXB Tổng Hợp Thành Phố HCM, 2005 thì 12 con giáp đã có trước đời Hán, nhưng từ các dân tộc thiểu số. Như cuốn “Nhật Thư” của Tần Trúc Giản được khai quật vào năm 1975 ở Hố Bắc cho thấy 12 con giáp đã lưu truyền từ thời kỳ Tiên Tần và dùng để bói toán. 12 con giáp gồm có chuột, trâu, cọp, thỏ (khuyết), sâu bọ, hươu …

.

(3) Theo “An Nam Dịch Ngữ” Vương Lộc giới thiệu và chú giải, NXB Đà Nẵng, Trung Tâm Từ Điển Học – Hà Nội – Đà Nẵng 1995.

.

(4) Theo “Từ Điển Mường-Việt” Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi chỉ, Hoàng Văn Hoành (2002) – NXB Văn Hoá Dân Tộc – Hà Nội.

.

(5) “L’Origine du cycle des douzes animaux au Cambodge” tác giả George Coèdes viết trong Toung pao XXXI (1935), trang 315-329. Ông có nhiều khảo cứu về ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ trên vùng Đông nam Á như qua bài “Inventaires des Inscriptions du Champa” từ nă m 1908 (BEFEO VIII) và cuốn “The Making of South East Asia” (tựa đề nguyên thuỷ là “Les Peuples de la Péninsule Indochinoise” Paris 1962) dịch ra tiếng Anh bởi giáo sư H. M. Right, University of California Press 1966.

.

(6) “Some Old Chinese loan words in the Tai languages” bài viết của giáo sư Li Fang-Kuei trong bộ ‘Harvard Journal of Asiatic Studies’ 8:333-342 (1945)

.

(7) “Austro-Thai Language and Culture” (1975) tác giả Paul K. Benedict bổ túc bài viết từ năm 1967 thành sách đề nghị họ (ngữ hệ) Nam-Thái trong vùng Đông Nam Á đã cho văn hoá TH mượn nhiều từ mà ít người biết đến.

.

(8) “A note on the origin of the Chinese duodenary cycle” bài viết của Jerry Norman (1985) trong cuốn ‘Linguistics of the Sino-Tibetan area – the state of the art’ (Pacific Linguistics, Series C – No. 87). Một học giả chuyên về tiếng Hán Cổ, đã từng viết cuốn “Chinese” khá phổ thông (NXB Cambridge University Press, 1988)

.

(9) Xem ghi chú (C) phần 2 bên trên.

.

(10) “Tiếng Việt Tuyệt Vời – âm m trong tiếng Việt” Nguyễn Cung Thông (1996) xuất bản ở Melbourne (Úc). Cuốn sách ghi lại hiện tượng m chỉ các bộ phận trên mặt con người thường bắt đầu bằng âm môi m : mắt-mặt-má-môi-miệng-mồm-mõm-mụn-mí .mi, mày, mép … Tiếng Mường cũng có hiện tượng m y như tiếng Việt, thêm vào đó là các từ chỉ người Mường như mường, mol cho thấy một liên hệ đặc biệt đến âm m. Hiện tượng m là một cánh cửa hé mở cho thấy tiếng Việt có thể thuộc vào họ Môn-Khme gồm có nhánh Việt-Mường. Vị trí của tiếng Việt Cổ và ngữ hệ là một yếu tố quan trọng để tìm về nguốn gốc tên 12 con giáp, nhớ rằng cách đây trên 2000 năm tiếng Việt (Cổ) rất khác tiếng Việt hiện đại. Ngoài ra, đầu năm 2006 ở SàiGòn, người viết cho ra lò cuốn “Nguồn Gốc tên 12 con giáp – và các liên hệ Việt, Hán Việt với ngôn ngữ láng giềng qua tiếng nói – Tập 1” được phát hành rất giới hạn. Cuốn này là tập hợp nhiều bài viết trong nhiều năm trước và làm căn bản cho các bài viết này.

.

(11) “A Handbook of Old Chinese Phonology” tác giả William H. Baxter, NXB Mouton De Gruyter (1992).Tác giả dùng các vần trong Kinh Thi để phục hồi âm Hán Cổ. Các cuốn “Middle Chinese : a study in Historical Phonology” (1984) và “Lexicon of reconstructed pronunciation in early Middle Chinese, late Middle Chinese and early Mandarin” (1991) của Edwin G. Pulleyblank dùng làm tài liệu chính cho sự so sánh và phục hồi âm cổ tiếng Hán. Truyền thống ph
c hồi âm cổ dựa vào âm vận của Kinh Thi, Thiết Vận … bắt đầu khởi sắc từ các công trình nghiên cứu về âm Hán Cổ của Bernhard Karlgren từ năm 1915 (bài viết ‘Études sur la phonologie chinoise’ cũng là Luận án Tiến Sĩ của ông tại đại học Uppsala dựa vào “Thiết Vận” để phục hồi âm Hán Cổ) đến 1974 (bài ‘The book of Odes : Chinese text, transcription and translation”), nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là cuốn “Grammata serica recensa” (1957). Để ý rằng các học giả trên đều đến từ nước ngoài TH như Baxter (Mỹ), Pulleyblank (Canada), Karlgren (Thuỵ Sĩ) … Có lẽ là người “phương xa” và với cách nhìn khách quan, khoa học hơn nên kiến thức về tiếng Hán Cổ gia tăng rất nhanh so với quá khứ.

.

(12) ĐNQATV (1895) ghi ‘làm tuồng mặt con khọn’, ‘làm con khọn (làm chẳng nên sự gì)’. Tự điển Việt-Hoa-Pháp (1937) của Gustav Hue cũng còn ghi nhận nghĩa này. Chữ Thân thường được dùng làm thành phần HT trong cách thành lập chữ Hán như hợp với bộ nhân nghĩa là suy rộng ra, hợp với bộ khẩu là rên la … thường đọc là shēn BK, nhưng hợp với bộ thổ thì lại đọc là kūn BK (khôn), hợp với bộ đại là yăn BK (yểm HV) và hợp với bộ vũ cho ra chữ diàn BK (điện HV).

.

(13) Tương quan giữa các từ HV như thân-cận-gần, thận-cẩn (thận trọng, cẩn trọng, cẩn trọng), thiên-kiên, thì-thị-kỷ … tuy cách viết khác nhau nhưng đọc giống và nghĩa cũng gần nhau – có thể là tàn tích của liên hệ th-k/kh HV hay sh-kh BK thời Tiên Tần trước khi các chữ viết được thống nhất. Có thể chúng có cùng gốc nhưng vì sự phát triển của ngôn ngữ và biên gìới (thêm các tiếng địa phương) nên mang những dạng khác nhau để phù hợp với các chức năng mới. Ta thấy một khuynh hướng tương tự khi so sánh tiếng Mường và tiếng Việt : khầng-sừng, khảu-sáu, khay-say, khàinh-sườn, khã-sữa, không-sông …(sđd). Nếu tiếng Mường bắt đầu tách khỏi tiếng Việt sớm nhất từ thời Hán thì phù hợp với tương quan shēn-kūn BK đã nói ở trên trong tiếng Hán Cổ.

.

(14) Dần có thể coi như tương đương với kính (jìng BK) như cách viết cổ cho thấy – thành ra *kinh có thể là một dạng âm cổ phục hồi – và cũng liên hệ đến kễnh như trên. Jìng BK viết bằng bộ khuyển hợp với chữ cánh HT, là kính HV, nghĩa là một loài hổ dữ tợn đến nỗi ăn thịt mẹ nó sau khi sinh ra ! Theo người viết, kính có thể liên hệ đến kễnh. Ngoài ra, trong tiếng TH hiện nay có một chữ rất hiếm viết bằng bộ hổ hợp với chữ khứ (đã qua, đi), giọng BK bây giờ là kǎn, hǎn, QĐ ham2 … có nghĩa là loài hổ trắng, hổ giận dữ, tiếng hổ gầm … Có thể là tàn tích của khan/kan hay kễnh. Một chữ cũng rất hiếm là khư viết bằng bộ khẩu hợp với chữ khứ nghĩa là ngáp, qū BK, keoi1 QĐ và Hẹ ki1, kiap7 …cho thấy tàn tích các âm ngạc sau còn được duy trì trong tiếng địa phương (Nam TH). Như đã nói trong bài viết trước (phần 1), các từ có nguồn gốc phương Nam không được dùng và trở nên đào thải trong vốn từ TH hiện đại. Một trong những cách nghiên cứu về nguồn gốc tên 12 con giáp là tìm ra những từ Hán Cổ hiếm hay rất ít khi dùng để xác định âm và nghĩa gốc khi so sánh với các ngôn ngữ phương Nam.

.

Oan

Thố/ thỏ

Miễn

Miễn

Miễn

(từ bỏ)

(gắng)

(thỏ con)

女勉


.

(15) Nguồn gốc oan trái của tên 12 con giáp .

Sau khi đã lượt qua các tương ứng giữa tên Hán-Việt/HV của 12 con giáp và tên gọi các con thú trong tiếng Việt, ta thấy một liên hệ rất rõ nét. Đây thật là một sự khám phá bất ngờ so với đa số quan niệm từ trườc đến giờ (qua bao ngàn năm) và từ Đông sang Tây rằng tên 12 con giáp có nguồn gốc TH. Nguồn gốc oan trái này lại thêm oái ăm khi chính nguồn gốc chữ oan HV cho ta một cách chứng minh về chủ nhân của tên 12 con giáp. Như đã viết nhiều lần, tên 12 con giáp của VN khác với TH và dĩ nhiên các nước Á Châu khác (bị ảnh hưởng của TH) ở chỗ chi Mão/Mẹo chỉ con mèo chứ không phải con thỏ. Điều này được xác định rõ ràng từ thời Vương Sung (sinh năm 27- chết năm 97 đời Hán, thiên Thiên Sinh Luận của “Luận Hành” ) liên tục cho đến nay.

Như vậy nếu ta có thể chứng minh rằng chi Mão/Mẹo đã từng chỉ con mèo, thì bài ‘toán đố nguồn gốc tên 12 con giáp’ đã có được một lời giải rồi, không cần phải so sánh và khôi phục từng âm cổ cùng phân tách các chữ viết thời thượng cổ.

Chữ Oan HV viết bằng bộ mịch (bao trùm lấy) hợp với chữ thố ở dưới, giọng Bắc Kinh/BK bây giờ là yuān là một dạng của wan (‘quan’ đọc theo giọng Nam, hay oan). Có hai cách giải thích về cách cấu tạo chữ oan : thứ nhất là nắp đậy biểu thị sự giới hạn đi lại của con thỏ do đó hàm ý oan trái cho con thỏ bị giam lại. Cách thứ hai dựa vào sự viết giống nhau giữa chữ thố và chữ miễn – hai chữ này không có sự phát biệt trong văn tự cổ thời Xuân Thu (770-476 TCN, theo cuốn “Ngữ Lâm Thú Thoại” Triệu Bá Bình, Thời Học Đưòng chủ biên 2005, NXB Văn Hoá Thông Tin). Chữ thố có thêm một nét (dấu phẩy) để chỉ cái đuôi con thỏ. Hai chữ bây giờ chỉ khác nhau có một nét nhỏ nhưng đọc và nghĩa khác nhau rất nhiều. Tuy nhiên, chữ thố trong bia khắc thời Hán và chữ miễn trong đề tự khắc hoạ ở nhà thờ Vũ Lương thời Đông Hán đều nói “Thần phục kiếm từ, dĩ thố kỳ tử” ( hay dĩ miễn kỳ tử là khích lệ con cái, sđd). Miễn HV hay vấn HV (biến âm m-v) đọc là miăn, wèn BK bây giờ so với min5, man6 Quảng Đông/QĐ. Thành ra miễn và thố không những cùng cách viết mà cùng âm đọc giống nhau thời Xuân Thu, hay người xưa đã dùng âm đọc miễn để biểu thị chữ oan (thành phần hài thanh/HT). Do đó oan là bị nắp đậy và nhận oan khuất, chịu oan vậy.

Theo người viết thì miễn còn là một dạng cổ của mãn – trong vốn từ hiện tại của tiếng TH không còn dùng nữa, mà tiếng Việt (Cổ) nghĩa là con mèo. Nghĩa này được ghi trong tự điển Việt-Hoa-Pháp (Gustave Hue, 1937) và Việt Nam Tự Điển (1954). Thật ra có những chữ rất hiếm như man viết bằng bộ khuyển hợp với chữ man HT (tần số dùng là 9 trên 171894734) hay bộ trĩ hợp với chữ man HT … đều đọc là man, đều có nghĩa là con mèo hoang (lynx, theo Wieger trong “Chinese Characters”). Thành ra, man hay mãn đã từng hiện diện trong tiếng TH và có nghĩa là con mèo., và thố đã từng đọc giống như vậy. Tại sao thố lại đọc giống như mèo (miễn ở trên, hay miêu HV bây giờ) ? Có thể là hình dạng và thể chất giống nhau nên khi khắc hay viết rất khó phân biệt chăng ? Nhất là thời Xuân Thu khi chữ viết TH còn lộn xộn và có nhiều chữ tượng hình hơn lúc nào hết ? Đến thời Tần Thuỷ Hoàng (221-207 TCN) thì thừa tướng Lý Tư mới bắt đầu thống nhất các cách viết.

Biến âm -iê- và –a- ít thấy như trường hợp miên-man còn tàn tích trong các từ kiền-can, miên-man-mên (như Cao Miên là Cao Man/Cao Mên), triều-trào,
hiệp-hạp-hợp, kiêu-cao, yên-an, hiếu-háo, di-dái, dị-dài, phi-bay, chỉ-giấy, vi-vây … đây là khuynh hướng biến nguyên âm trước (front vowels) thành những nguyên âm sau (back vowels) và mở rộng/tròn miệng hơn. Phụ âm mũi ở cuối –n của mãn đã mất đi để ta có Mão/Mẹo/mèo : khuynh hướng đơn giản hoá này (contraction) thường gặp trong tiếng Việt và tiếng TH như chun/chui, miến/mì, bác/bá, hùm/hổ, anh ấy/ảnh … wàn/mò BK (muôn/vạn/man), màn/mò BK (màn che) míng/mì BK (u ám, tối), shăn/xiàn/xiá BK (Thiểm, tỉnh Thiểm tây) …v..v.. Ngay chữ mội HV (nghĩa là dơ bẩn) viết bằng bộ thuỷ hợp với chữ miễn HT còn có thể đọc là miễn – giọng BK bây giờ là měi, mán, măn, màn so với giọng QĐ mui5 … cho thấy khuynh hướng rút gọn âm cuối. Do đó ta có thể giải thích liên hệ mãn/Mão/Mẹo/mèo. Còn thanh điệu thì phức tạp hơn, nhưng để ý một chữ đã hiện diện rất lâu đời trong tiếng Việt là mộ, mồ, mô và mã HV (mù, mú BK) : bốn thanh điệu cho thấy chuỗi dài thời gian đã trải qua cũng như bốn thanh điệu của mãn/Mão/Mẹo/mèo và meo (tiếng kêu của con mèo), so với ngấm/ngẫm/ngầm/ngâm và ngậm (hàn, hàn BK hàm HV). Một điểm đáng chú ý là một cách ghi âm miễn, miện, mãn/vãn (hay miăn BK) là dùng chữ miễn (tránh khỏi) trong cách thành lập các chữ Hán, thì dụ như miễn (chữ miễn hợp với chữ lực nghĩa là khuyên cố gắng), vãn (bộ thủ hợp với chữ miễn, nghĩa là kéo lại – biến âm m-v), vãn (bộ nhật hợp với chữ miễn, nghĩa là buổi chiều) ….

Còn thố (tù BK) không thấy dùng làm thành phần HT trong vốn từ TH hiện đại trừ cỏ thỏ ti (thỏ ti tử) viết bằng bộ thảo hợp với chữ thỏ dùng làm thuốc. Miễn viết bằng bộ nữ hợp với chữ miễn (gắng) là một chữ rất hiếm thấy, nghĩa là thỏ con, đây là một gạch nối giữa miễn và thỏ được thấy trong cách viết cổ. Ngoài ra một chữ Hán rất hiếm nữa viết bằng bộ khẩu hợp với chữ diện (mián BK, HT) cũng tương đương với chữ miễn viết bằng bộ khẩu hợp với chữ miễn HT cho thấy cách đọc chữ miễn thời xưa. Thỏ rất gần gũi với tộc Hán, khác với mèo (xem bài viết riêng về chi Mão/Mẹo cùng tác giả) trong văn hoá dân gian của tộc Việt : cả hai con đều mang vài đặc tính tiêu cực phản ánh qua ca dao tục ngữ như “ăn như mèo ngửi”, “nhát như thỏ đế” … chứ không tao nhã như “ngọc thỏ” (con thỏ ngọc chỉ mặt trăng), hay “..mang giầy thỏ, chạy được nhanh..” trong văn hoá TH.

Tóm tắt các dữ kiện ngôn ngữ trên ta thấy thỏ có thể được dùng để thay cho mèo thời Tiên Tần để gần với dân tộc Hán hơn, rồi càng ngày 12 con giáp càng được dùng trong các hoạt động bói toán và tín ngưỡng, chiếm một địa vị quan trọng trong các nền văn hoá Á Đông – xa hẳn với tên các loài cầm thú đã tạo ra chúng. Điều này là một hiện tượng rất tự nhiên của ngôn ngữ cho thấy tính chất quy ước của con người khi sống chung với nhau. Chính vì tiếng Việt còn duy trì con mèo cho chi Mão/Mẹo (qua khẩu ngữ) mà ta có thể lập luận rằng nguồn gốc tên 12 con giáp chính là từ tiếng Việt Cổ, ít nhất là vào thời Tiên Tần.

Các cách viết chỉ là những ký hiệu ghi nhận lại âm đọc thời bấy giờ mà thôi. Không biết có phải Tàu mượn thẳng từ tiếng Việt Cổ qua giao lưu văn hoá với nhóm Bách Việt, khi nhóm Bách Việt còn hùng mạnh, nhớ là tộc Việt thuộc vào nhóm Bách Việt cũng như các nhóm Hẹ, Tiều … đã phải di chuyển đến các miền biển vì áp lực phương Bắc quá mạnh; Hay là qua các quan lại gốc Việt làm việc trong triều đình TH thời đó đã cố ý “gài” các chữ Việt Cổ để cho hậu thế học hỏi ? Có một điều dễ nhận ra là các từ Việt Cổ trong TH càng ngày càng bị đào thải (như đã viết từ phần trước), cũng như một số từ bị đổi làm cho việc nhận ra tên cổ của 12 con giáp trở nên rất khó khăn. Thêm vào đó là số lượng tài liệu viết bằng chữ Hán rất phong phú, hợp với ảnh hưởng quan trọng của các triều đại Hán, Đường – khi văn hoá Bách Việt đã chìm sâu vào dĩ vãng và văn hoá TH trở nên nổi bật – và chính các thời đại này mà 12 con giáp bắt đầu du nhập vào các nườc chung quanh TH. Quá trình giao lưu văn hoá (trong đó có cách tính năm, tuổi, bói toán, phong thuỷ, thập nhị chi và thập can…) hầu như một chiều này làm cho ta cứ tưởng rằng tên 12 con giáp là từ tiếng TH chứ không phải tiếng Việt, thật là một điều oan trái vậy.

(Xem tiếp phần 3)

February 6, 2008 Posted by | Uncategorized | 2 Comments

Bai 17 : Nguon goc Viet Nam cua ten 12 con giap (P.1)

Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp (Phần 1)

Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Cung Thông (01 tháng 06 năm 2006)

Vấn đề cội nguồn văn hóa Việt Nam rất quan trọng. Nhiều vị đã mất cả đời người truy tìm, trong đó có LM Kim Định … Tiếc rằng văn bản lịch sử rất mơ hồ, dữ kiện khảo cổ không có bao nhiêu… đồng thời các tài liệu Trung Hoa thì phức tạp và méo mó… nên phải rất thận trọng khi tìm về nguồn và không để cho tình cảm chi phối lý trí làm lệch lạc kết quả.

Hi vọng phương pháp tìm về nguồn dựa trên Ngữ Âm Học Lịch Sử (Historical Phonology) sẽ cho ta thấy nhiều kết quả chính xác hơn.

.

1. Giới thiệu tổng quát

Tìm hiểu về gốc của tên mười hai con giáp là một cơ hội để ta tìm về cội nguồn tiếng Việt. Tên 12 con giáp là Tý/Tử, Sửu, Dần, Mão/Mẹo, Thìn/Thần, Tỵ, Ngọ, Mùi/Vị, Thân/Khôi, Dậu, Tuất, Hợi. Thoạt nhìn thì thập nhị chi trên có vẻ bắt nguồn từ Trung Quốc (hay Trung Hoa, tắt là TH) vì là những từ Hán Việt (HV).Khi phân tách các tiếng Việt, và thấy có những khác lạ hay có một khuynh hướng tổng quát chung nào đó thì những dạng này cần được so sánh với những từ khác với nguồn gốc không phải là Việt, Thí dụ như trong các từ liên hệ đến xe hơi chẳng hạn, ta thấy các dạng như pan (xe bị pan), phanh (thắng), láp, két nước (tử két), đèn pha, máy bơm xăng, ống bơm, xăng, hòn (viên) bi, bị giơ (lỏng), cái van, dây cáp (điện), dây xên, con vít, sạc điện …v…v… không kể các từ đa âm khác như bugi, táp-lô, rô-đa, mỏ-lét, rờ-le, bù-loong … So với tiếng Pháp và tiếng Anh hiện nay (không khác gì nhiều trong vòng trăm năm nay)

Rõ ràng là các từ trên tương ứng với tiếng Pháp rất chặc chẽ so với tiếng Anh, hay một ngoại ngữ nào khác – người viết dùng tiếng Anh và Pháp để so sánh vì lịch sử cận đại cho thấy nhiều liên quan giữa nước Pháp, nước Mỹ với VN. Ngoài ra, kỹ thuật chế tạo, lắp ráp và bảo trì xe hơi (ô tô) là từ các nước Âu Châu trên. Nếu mở rộng đề tài ra thì ta có các tiếng Pháp khác nhập vào tiếng Việt như bót/bốt (đồn cảnh sát), ông cẩm (commissaire), nhà ga (trạm xe lửa), lô, ký (kilogramme), xạc (sacrer, bị mắng), cuốc (xe cuốc, course, xe đua), cúp (coupe), cà-lem, kem (crème) ..v..v.. Phần lớn các từ mượn từ tiếng Pháp có phạm trù giới hạn và thường là thuật ngữ. Cách viết văn (cú pháp) và thành lập chữ của bị ảnh hưởng phần nào qua giao lưu văn hoá với Pháp : như cách dùng bàn giấy, giết thời gian … Trong các bài sau, người viết sẽ chú trọng đến sự so sánh các từ, các biến âm và phạm trù ngữ nghĩa của chúng. Giao lưu văn hoá với Pháp xẩy ra chỉ gần đây (hai trăm năm trở lại và càng ngày càng ít đi từ thời kỳ thuộc địa), thành ra các dạng biến âm rất dễ tra ra, cũng như từ phạm trù nghĩa giới hạn của chúng.

Trở lại với tên 12 con giáp, thời kỳ giao lưu văn hoá với TH đã xẩy ra rất lâu (ít nhất đã hơn hai ngàn năm, so với hai trăm năm) và từng đợt chất chồng lên nhau, thêm vào đó là các tài liệu rất mơ hồ và thường hàm ý là tên 12 con giáp là của TH (một tiền đề không ai dám tranh cãi hay tìm ra ngọn ngành một cách rõ ràng và khoa học). Các tài liệu lại thường viết bằng chữ Hán, thêm và tiền đề (hầu như là một ‘công lý’ không ai chối cãi đuợc ?) về nguồn gốc TH hợp với cách viết chủ quan và đầy tự ái dân tộc của một số tác giả TH càng làm vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa.

Nhìn lại bảng so sánh một số tiếng Việt trong lãnh vực kỹ thuật (xe hơi) như trên, dù ai có tự ái dân tộc lớn đến đâu cũng không thể chối cãi quá trình mượn từ tiếng Pháp vào tiếng Việt, thêm vào đó là các tài liệu sách vở trong vòng hai thế kỷ qua dễ cho chúng ta kiểm lại kết luận này.

Thực ra, sự vay mượn qua lại là một hiện tượng rất tự nhiên của ngôn ngữ loài người, chính sự thuần nhất (pure) ngôn ngữ mới là hiếm có hay là ngoại lệ ! Cũng như hiện tượng thuần chủng (pure race) vậy – cũng chính cách nhìn hạn hẹp từ sự thuần chủng mà đã xẩy ra bao nhiêu tai hoạ như Đức Quốc Xã với giống Aryen, chính sách White Policy hay nước Úc cho ‘người da trắng’ chẳng hạn ….– và cũng chính thái độ ù lỳ không chấp nhận ‘mình vay của người’ mà nhiều sai lầm đã xẩy ra, ngay cả cho một số công trình nghiên cứu trong quá khứ. Tiếng Nhật và tiếng Đại Hàn có nhiều từ gốc Hán, tiếng Anh/Pháp cũng đầy các từ gốc La-Tinh, Hi-Lạp … chẳng nước nào có ‘mặc cảm chữ nghĩa’ đâu ? Với các cảnh giác trên thì ai là chủ nhân của tên 12 con giáp ?

.

2. Vài nhận xét sơ khởi về tên 12 con giáp :

2.1 Tên 12 con giáp đọc như tiếng HV, theo giọng Bắc Kinh (BK) và bằng cách ghi theo Phiên Âm (pinyin) là zĭ, chŏu, yín, măo, chén, sì, wǔ, wèi, shēn, yŏu, xū, hài hoàn toàn không liên hệ đến cách gọi (tên) 12 con thú trong tiếng TH hiện nay – ngay cả giọng Quảng Đông (QĐ) ..v..v.. Khi phục hồi âm TH thời Thượng Cổ (Archaic Chinese) thì vẫn không tương đồng với các cách gọi tên thú vật thời trước. Như vậy nếu có một dân tộc nào đó dùng tên 12 con thú tương tự như tên 12 con giáp thì dân tộc đó phải có liên hệ rất khắn khít với nguồn gốc tên 12 con giáp này. Cũng như khi so sánh các từ về xe hơi phần trên, ta có thể đi dến kết luận là tiếng Pháp đã cho tiếng Việt mượn trong thời kỳ giao lưu văn hoá cận đại(1). Nhưng người viết không đi sâu thêm nữa để tìm hiểu các danh từ tiếng Pháp trên có nguồn gốc ở đâu. Xin nhắc lại ở đây là các bài này viết về nguồn gốc tên 12 con giáp, còn nguồn gốc 12 con giáp ở đâu ra không nằm trong phạm vi các phần sau.

2.2 Tại sao Trung Hoa dùng con thỏ thay cho con mèo (biểu tượng của chi Mão/Mẹo) ? Xem cách viết chữ miêu (con mèo, giọng BK là māo) bằng bộ trỉ hợp với miêu (mầm mống, hài thanh) so với thỏ là chữ tượng hình – hay thố HV, giọng BK là tù viết bằng bộ nhân cho thấy sự quan trọng của thỏ đối với văn hoá TH. Hầu như chỉ có dân Việt mới dùng mèo cho chi Mão : nguyên âm e hay iê là các dạng cổ hơn của a như kẻ/giả, vẽ/hoạ, xe/xa, khoe/khoa, hè/hạ, chè/trà, keo/giao, beo/báo….

Nhờ sự khác biệt này mà ta bắt đầu thấy mối dây liên hệ của tiếng Việt với 12 con giáp. Mèo hiện diện trong đời sống dân Việt thường xuyên hơn. Còn ch
i Ngọ liên hệ đến ngựa hầu như không cần giải thích nhiều, so với mã HV (mă BK, giọng BK hiện nay không còn âm ng- nữa mà đã bị môi hoá thành w- và m-). Các dạng Mão/Mẹo/mèo và Ngọ/ngựa dễ cho ta nhận ra sự liên hệ giữa tên 12 con giáp với tiếng Việt hiện nay. Thời tiền Hán, tiếng Việt ta không có nhiều thanh điệu (tone) như bây giờ, nên sự khác biệt về thanh điệu không có gì lạ. Như trong khẩu ngữ ta ta có cách dùng “chờ một tý” cũng như “chờ một chút”, “đưa chút tiền” cũng như “đưa tý tiền” … vào thời tiền Hán, các câu trên đọc như giọng Huế hay người Hòn bây giờ (ít thanh điệu hơn so với giọng Hà Nội) thì ta thấy ngay chút hay *chụt/chuột chính là các dạng của tý vậy. Biến âm t-ch (phụ âm đầu) của tý/tử HV -chuột còn thấy qua các liên hệ như ty/tư HV là chủ, tỷ-chia, tứ-cho, từ-chữ, tự-chùa, tỷ-chị, tựu-chầu (tụ lại), tốt-chết, từ-chợ, thị-chợ, thố-chua, thù-chuốc, thục-chuộc, thúc-chú….Thành ra, ta có sơ khởi là ba chi Mão/Mẹo, Ngọ có liên hệ với mèo, ngựachuột trong tiếng Việt hiện đại. Các phần sau sẽ phân tách chi tiết hơn về sự tương quan giữa tên các chi và các tên thú vật trong tiếng Việt.

2.3 Nếu quả thật tên 12 con giáp TH bắt nguồn từ tiếng Việt (Cổ), thì kết quả này còn phù hợp với các kết quả trước đây như triết gia Kim Định đã cố gắng chứng minh văn hoá TH xuất phát từ văn hoá Việt (SàiGòn vào thập niên 1970, như cuốn “Việt Lý Tố Nguyên”), tác giả Nguyễn Hoài Nhân (bên Pháp vào thập niên 1980, như trong các bộ “VietNam en image” ghi nhận các bằng chứng về khảo cổ và ngôn ngữ để đi đến kết luận : người Việt Cổ là người cho, người TH là người nhận), tác giả Lê Mạnh Thát qua cuốn “Lịch Sử Âm Nhạc Việt Nam – từ thời Hùng Vương đến thời kỳ Lý Nam Đế” đưa ra các dữ kiện chứng tỏ rằng Việt Ca (Lưu Hướng ghi lại trong Thuyết Uyển) có nguồn gốc Việt Nam (VN), tác giả Nguyễn Thiếu Dũng cũng bắt đầu đặt lại vấn đề nguồn gốc Kinh Dịch (từ tộc Việt) trong những năm gần đây … Cho thấy chiều vay mượn là từ phương Nam vào thời thượng cổ, chứ không phải là từ Bắc xuống Nam (cũng như các nước chung quanh) vào các đời Hán, Đường lúc văn hoá TH cực thịnh,. Tuy nhiên không tác giả nào đề cập đến nguồn gốc tên 12 con giáp, và rất ít dùng cấu trúc của chữ Hán, Hán Cổ cùng các biến âm trong cách lý giải.

Để thấy rõ hơn các liên hệ của tên thú vật và tàn tích trong tiếng Hán Cổ, chúng ta hãy xem một số từ chỉ con vật thông thường như cóc, voi … và cấu trúc của tiếng Hán cho thấy tàn tích của tiếng Việt mà đã từ từ mất đi trong ngôn ngữ TH hiện nay. Hi vọng từ đó khi tập trung nhìn vào các tương quan của tên 12 con giáp thì các liên hệ sẽ được rõ ràng hơn, nhất là qua sự so sánh các ngôn ngữ láng giềng với tiếng TH, HV, tiếng Việt.

2.4 Muốn tìm hiểu ngọn ngành trên phương diện so sánh các ngôn ngữ, ngày nay ta không đến nỗi phải đi tới những nơi xa xôi (du học) nữa, nhất là về đề tài 12 con giáp. Các tài liệu thông tin, mạng Internet, sách vở được ấn hành nhiều hơn và cởi mở hơn. Thêm vào đó là chánh phủ địa phương có vẻ như càng ngày càng mở mang và thành thật hơn, không độc đoán và che dấu hay ‘bóp méo’ các dữ kiện khảo cổ, ngôn ngữ như xưa. Cách đây hơn 50 năm, Phan Khôi – một nhà nghiên cứu văn hoá VN rất nhiệt thành – đã phải lên tiếng “… người VN chúng ta về sau phải sang TH ở lâu mà nghiên cứu, may ra tìm được các dấu vết tương quan của dân tộc ta với dân tộc TH từ đời thượng cổ…” (trang 34, “Việt Ngữ nghiên cứu” Phan Khôi, bài viết năm 1954, in lại – NXB Đà Nẵng, 1997). Đương nhiên là các kết quả của so sánh ngôn ngữ phải phù hợp với những kết quả từ ngành khảo cổ, lịch sử và di truyền (DNA)… để tăng mức độ chính xác.

.

3. Tiếng Việt và tiếng Hán Cổ (hay tiếng Hán và tiếng Việt Cổ)

3.1 Cóc là loài vật vừa ở trên cạn vừa ở dưới nước (gọi là amphibian) hiện diện trong các ngôn ngữ Đông Nam Á như ku-óc, cóc (tiếng Mường), ka kọc (Nùng), róc (Lào : lụt róc, kăn kắk, khăn khắk : cóc), khàng khók (Thái), king kuok (Khme), a-rok (Chàm), kok, kokke, khog (Mundari, Birhor, Hor…ngữ hệ Munda), cơưk (Hmong) ..v
..v.. Trong vốn từ TH hiên nay, còn một chữ rất hiếm là cúc HV viết bằng bộ trùng hợp với chữ cúc hài thanh (HT, cúc nghĩa là nắm, túm) – giọng BK bây giờ là jú, qú. Để chỉ con cóc, tiếng TH có các từ thiềm HV (chán, zhān BK) viết bằng bộ trùng (cũng có nghĩa là bóng đen trên mặt trăng, tiếng ghép HV thiềm thừ là con cóc); thừ HV (shú, chú, yú BK) viết bằng bộ trùng hợp với chữ dư HT; ma HV (má, mò BK viết bằng bộ trùng, còn là một loại ếch); Ba/pha/bì HV (bŏ, pí BK viết bằng bộ trùng hợp với chữ bì HT – từ này ít dùng với tần số dùng là 10 trên 365398752 cho thấy một cách phân biệt cóc và nhái qua lớp da sần)… Trái cóc có vỏ như da cóc … Theo người viết thì cóc(2) có thể là một từ tượng thanh (con cóc có tiếng kêu đặc biệt ‘cọc… cọc”) với âm yết hầu k-, và do đó một số ngôn ngữ khác không liên hệ gì đến tiếng Việt hay Nam Á như ngôn ngữ của Easter Island ở Nam Thái Bình Dương cũng gọi cóc là kok, tiếng Inđônesia là kodok, katak, tiếng Kơho là kit trô …

3.2 Voi là một từ đáng chú ý : có nhiều cách viết chữ Nôm, như bộ khuyển hợp với chữ vi HV (hài thanh, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị/ĐNQATV), bộ khuyển hợp với chữ bôi (cái chén, HT cho thấy liên hệ b-v), bộ khuyển hợp vớI chữ bút … Các chữ voi này rất xa lạ với người TH, . Tiếng TH hiện nay có tượng HV, giọng BK bây giờ là xiàng, giọng QĐ jeung(6) liên hệ đến giống tiếng Việt, viết bằng bộ nhân hợp với chữ tượng HT. Chữ tượng có cách viết cổ giống như hình con voi nhưng lại dựng đứng lên để theo chiều từ trên xuống dưới và để tiết kiệm diện tích viết chữ. Tượng còn dùng để chỉ bức tượng trong tiếng Việt so với tiếng TH bây giờ phải dùng các từ ghép như diāoxiàng BK (điêu tượng, tượng được khắc), sùxiàng (tố tượng, tượng được nặn hay đắp thành). Ông hay bà quản tượng là người coi (kiểm soát) voi hay là mahout, là tiếng Ấn Độ/Hindi mahaut gốc tiếng Phạn là mahamatrah. Con tượng còn là con voi trong bàn cờ tướng. Một điểm đáng chú ý là chỉ có voi là loài vật khác trong các loại lợn được viết bằng bộ thỉ (con lợn) thứ 152. Dự là từ HV đã từng có nghĩa là con voi – chữ này viết bằng bộ thỉ, thật ra là chữ dư hợp với chữ tượng – hiện thời có các nghĩa như vui vẻ (nghĩa bây giờ hơi khác hơn và thiên về an nhàn), thoải mái, du ngoạn (hàm ý vui vẻ), do dự, dự bị, một trong chín châu (Cửu Châu) của TH thời xưa (bao gồm tỉnh Hà nam, do đó Dự cũng là tên cổ của Hà Nam(3)), gạt gẫm … và rất ít tự điển ghi nhận nghĩa cổ của dự là voi(4). Theo người viết, vui là âm cổ cũng như một dạng khác là voi. Liên hệ u-o (vui-voi) còn thấy trong các cách dùng tương đương như tùng-tòng (thông), chùm-chòm, vũ-võ, trụi-trọi, dung-dong, phù-phò, hụi-hội, tui-tôi, thúi-thối … do đó ta có cơ sở giải thích liên hệ dự-vui-voi. Voi từ chữ dự (có chữ tượng) hợp lý hơn là từ chữ vi (bộ trảo) theo Vương Lực (xem phụ chú 4). Các dữ kiện hỗ trợ cho liên hệ dự-vui còn thấy qua các chữ HV như du (yú BK, viết bằng bộ sước) có nghĩa là đi chơi, vui vẻ; du HV (yú BK viết bằng bộ tâm) có nghĩa là yên vui … Các cách viết khác nhau để ghi lại âm ‘vui’ cho thấy lý luận dự-vui thêm phần chính xác (nhớ rằng chữ viết có sau tiếng nói).

3.3 Vụ HV viết bằng bộ điểu, giọng BK bây giờ là wù, mù, giọng QĐ mou(6), muk(6), Hẹ mu(6), vu(6) … nghĩa là một loài vịt. Chữ này không thông dụng trong vốn từ TH hiện đại với tần số dùng là 105 trên 368707021 so với các chữ khác như áp HV (yā BK), nga HV (é BK, ngo(4) QĐ – ngan, ngỗng là các dạng cổ), nhạn HV (yàn BK, ngaan(6) QĐ) … Theo Thuyết Văn (TV), chữ ngan đồng nghĩa với nhạn. Biến âm u-i của vụ-vịt không thường gặp nhưng còn tàn tích trong các cách dùng bút-viết, thụ-chịu, nhu-diệu, đinh-chuồn … Để ý phụ âm tắt –t ở sau nguyên âm thường mất đi trong giọng BK (phương Bắc) nhưng vẫn còn duy trì trong tiếng Việt, giọng QĐ, Hẹ …

3.4 Đinh viết bằng bộ trùng với chữ đinh HT, giọng BK bây giờ là dīng, chēng, chéng, ding(1), cing(1) QĐ, Hẹ den(1) …có nghĩa là con chuồn chuồn. Chữ này rất ít dùng với tần số dùng là 14 trên 430747376. So với các chữ khác thường gặp trong vốn từ TH hiện nay như tinh HV (dīng, tīng BK), đình HV hay tinh đình, linh HV (líng BK viết bằng bộ trùng hợp với chữ linh/lệnh HT, để ý linh HV viết bằng bộ kim hợp với chữ linh/lệnh là chuông)… Nếu ta để ý biến âm đ-tl/tr-ch (xem bài viết riêng về biến âm này cùng tác giả) như độn-trốn-chuồn, đồn/đốn-truân-chiên, đồn-trôn, điền-trần, đục-trọc, đoàn-tròn, động-trọng-chuộng, đồng-tròng (con ngươi), đản-trần …v..v.. thì có thể giải thích được liên hệ đinh-*chuôn (biến âm i-u nói ở phần 3.3), hay dạng chuồn (thanh huyền có thể do ảnh hưởng của phụ âm mũi –n). Tiếng Mường cũng có dạng chuồn chuồn, tiếng Zhuang là chi-chuồn.

Như vậy thì tiếng Việt vẫn còn tàn tích trong tiếng TH, tuy nhiên các cách dùng từ ‘phương Nam’ từ từ mất dần đi(5), có thể là do các tiếng phương Bắc thay vào (giai cấp thống trị), hoặc không hợp với hệ thống âm điệu của Hán tộc hay sự cố tình bôi xoá ?

Tóm tắt bài này là trong tiếng Trung Hoa có những từ Việt (Cổ) nhưng rất ít dùng, tuy nhiên trường hợp của tên 12 con giáp rất đặc biệt : được dùng trong việc ghi lại thời gian, không gian, bói toán, cúng kiến … rất phổ thông trong văn hoá và tín ngưỡng dân gian, chúng gắn liền với lịch sử tư tưởng của TH và VN, đóng một vai trò quan trọng trong văn hoá dân tộc. Do đó, chúng là những từ hoá thạch (fossilised) gắn bó với câu ca dao

‘Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ’

.

4. Phụ chú

(1) Bảng so sánh trên cho thấy liên hệ giữa tiếng Pháp và Anh như sạc tiếng Pháp và tiếng Anh giống y như nhau, gốc tiếng Pháp Cổ (Old French) là chargier (chất đồ lên, tải), liên hệ đến tiếng La Tinh carrus (chiếc xe) do đó ta có các dạng tiếng Anh như car/xe, carry/chở, chariot/xe … và nếu truy tầm thêm nguồn gốc các chữ trên thì sẽ thấy nhiều tương quan của nhóm (dòng, ngữ hệ) La Mã, họ Ấn Âu (Indo-European) phản ánh qua lịch sử và quá trình phát triển văn hoá của Hi Lạp, Ý, Pháp v..v.. Điều này ra ngoài mục đích của bảng so sánh cốt là cho thấy các tiếng mượn từ tiếng Pháp mà thôi.

(2) Tác giả Lê Gia trong “Tiếng Nói Nôm Na” (NXB Văn Nghệ Thành Phố HCM, 1999) thì giải thích cóc là từ hốc, cốc mà ra “loài vật dơ dáy, bẩn thỉu, tối ngày ngồi trong hang trong hốc” (trang 1451).

(3) Tỉnh Hà Nam vẫn còn một số hoạt động như cỡi voi cho du khách.

(4) Theo tác giả Nguyễn Văn Tu trong “Từ và vốn từ – tiếng Việt hiện đại” (NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội 1976) thì voi có nguồn gốc là chữ vi “…theo sự nghiên cứu của ngành Cổ Văn Tự, vi là chữ tượng. Theo tiếng Việt thiên đọc là vi còn tượng đọc là voi…” (trang 266) – trích dẫn từ kết luận của nhà ngữ học TH Vương Lực trong các cuốn “Hán Việt Ngữ nghiên cứu” và “Hán ngữ sử luận văn tập” (khoảng 1958). Sau gần 3 thập niên, tác giả Lê Đình Khẩn cũng lặp lại điều này trong cuốn “Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt” (NXB Đại Học Quốc Gia Thành Phố HCM, 2002), tuy nhiên tác giả có bàn thêm là thời thượng cổ “…không chắc là âm đọc theo chữ nào trong hai chữ đồng nghĩa ấy …” (trang 59). Khi tra cách viết và khắc của chữ vi (Cổ Văn) ta thấy hình hai con khỉ trên hình con voi tuy hình vẽ không rõ ràng lắm, theo ‘Tại Tuyến Hán Điển’ trên mạng Internet, và ‘Chinese Characters’ của L. Wieger – cả hai tài liệu này đều ghi vi là ‘khỉ cái’. Để ý cách đọc vi HV là wèi BK, Hẹ wui(3), wuị, wi(3), wi(5) … Còn theo Từ Nguyên thì nghĩa cổ nhất của dự là “tượng chi đại giả – kiến Thuyết Văn” . Voi giữ một địa vị đặc biệt trong lịch sử VN : nào là chuyện bà Triệu cỡi voi chống ngoại xâm, nào là những khi được triều cống cho TH, nào là các hình phạt cho voi xé xác, voi giày … và hiện diện trong ca dao thành ngữ như “khoẻ như voi”, “muỗi đốt chân voi”, “chỉ buộc chân voi”, “được voi đòi tiên”, “trăm voi không được bát nước xáo”, ”có con gái lớn trong nhà như cỡi đầu voi dữ”, “trời sinh voi trời sinh cỏ”…v…v.. Hiếm lắm ta mới thấy vài thành ngữ có voi trong văn hoá TH như “tượng trợ ngọc bôi” (đũa bằng ngà voi và chén bằng ngọc, chỉ cuộc sống giàu sang) hay “tượng xỉ phần thân” (voi chết chỉ vì muốn lấy ngà, của cải đem đến nguy hiểm).

(5) Khuynh hướng mất dần các vết tích của ngôn ngữ phương Nam (thời Bách Việt về sau) đồng thời với khuynh hướng bành trướng của lãnh thổ TH và các đợt di dân cùng pha trộn với dân bản địa trên lưu vực sông Hồng. Các vết tích của tiếng Việt như voi, vịt, cóc, chuồn chuồn …trong tiếng TH chứng tỏ phần nào nhận định tổng quát này.

(Xem tiếp phần 2)

February 5, 2008 Posted by | Uncategorized | 4 Comments

Bai 16 : Hoang Sa – Truong Sa (Phan cuoi)

 

 

Chủ quyền trên hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa

 Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc

 TG : Từ Đặng Minh Thu (Tiến sĩ Luật, Đại học Sorbonne)

 

 

 

Mục lục các phần của bài viết : (Click) 

 

Phần 1: 

 

I.Diễn biến cuộc tranh chấp : Trước Pháp thuộc, thời Pháp thuộc, sau thời Pháp thuộc.

II.Phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc : Chủ quyền lịch sử, sự chiếm hữu lãnh thổ theo thông lệ Quốc Tế, chủ quyền lịch sử của Việt Nam.

Phần 2:

Chủ quyền lịch sử của Việt Nam (tt) Phân tích các bản đồ và tư liệu lịch sử. 

Phần 3:

Chủ quyền lịch sử viện dẫn bởi Trung Quốc, hiệp ước 1887. 

Phần 4:

Những lời tuyên bố của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, thuyết Estoppel.

III.Kết luận.

.

Chú thích tài liệu tham khảo : 

[1] Tiến sĩ Luật, Đại học Sorbonne.

[2] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Trích từ Võ Long Tê, Les archipels de Hoang Sa et de Truong Sa selon les anciens ouvrages viêtnamiens d’histoire et de geographie, Sài Gòn, 1974, tr. 62.

[3] Eveil economique de l’Indochine, no. 741.

[4] Nguyễn Quốc Định: Droit International Public, LIbrarie Générale de Droit et de Jurisprudence, Paris, 1975. tr. 401-402.

[5] Robert Jennings: The acquisition of territory in international law (New York, 1963), viện dẫn Charles de Visscher. Luật gia Charles de Visscher viết như sau về phương pháp consolidation:

“… Le long usage établi, qui en est le fondement, ne fait que traduire un ensemble d’interêts et de relations qui tendent par eux meme à rattacher un territoire ou un espace maritime à un état determine… elle peut être repute acquise… par une absence d’opposition suffisemment prolongée…”, xem Jennings, tr. 25, lưu ý 2.

[6] Võ Long Tê, Kes archipels de Hoàng Sa et de Trường Sa selon les anciens ouvrages viêtnamiens d’histoire et de geographie, Sài Gòn, 1974, tr. 39 và 40.

[7] Sđd., tr. 34-35.

[8] Sđd. tr. 48.

[9] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, 1776. Vụ Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam viện dẫn: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội, 1979, tr. 13.

[10] Sđd, tr. 14-15.

[11] Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr. 13 và 14.

[12] Võ Long Tê, Sđd, tr. 69.

[13] M.A. Dubois de Jancigny: Thế giới, lịch sử và sự mô tả các dân tộc, các tôn giáo của họ, Ceylan, (1830). Võ Long Tê viện dẫn, Sđd, tr. 168.

[14] J. B. Chaigneau (1769-1825): Notice sur la Cochinchine, 1820. Võ Long Tê viện dẫn, Sđd, tr. 168.

[15] Vụ Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao, Sđd, tr. 21.

[16] Võ Long Tê, Sđd, tr. 100.

[17] Vụ Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao, Sđd, tr. 21.

[18] Sđd, tr. 25.

[19] Gutzlaff: Geography of the Cochinchinese Empire in Journal of the Geographical Society of London, 1849, tập XIX. Viện dẫn bởi Nhà xuất bản Sự thật, Sđd, tr. 16, Gutzlaff viết như sau:

“Chính phủ An Nam thấy đặt một hạn ngạch thuế thì có thể thu được nhiều lợi bèn lập những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này (tức quần đảo Paracel, mà tác giả gọi là KatVang) để thu thuế mà mọi người tới đây đều phải nộp…”

[20] Vụ án Clipperton: Recueil des Sentences Arbitrales, tập II.

[21] Teh-Kuang Chang: China’s claim of sovereignty over Spratley and Paracel Islands: a historical and legal perspective, Case Western Reserve Journal of International Law, vol. 23 (1991), p. 418.

[22] Jian-Ming Shen: International law rules and historical evidence supporting China’s title to the South China Sea islands, Hastings International and Comparative Law Review, vol. 21 (1997), p. 22 & 23.

[23] Vụ án đảo Palmas: Receuil des Sentences Arbitrales, tập II, tr. 859-860.

[24] Monique Chemillier-Gendreau: La souveraineté sur les Paracels et Spratleys. L’Harmatan, Paris, 1996, p. 71.

[25] Võ Long Tê, Sđd, tr. 111.

[26] Sđd, tr. 110.

[27] Gendreau, Sđd, tr. 21, 23.

[28] Võ Long Tê, Sđd, tr. 134.

[29] Võ Long Tê, Sđd, tr. 61.

[30] Sđd, tr. 157.

[31] Tao Cheng: The dispute over the South China Sea Islands, Texas International Law Journal, vol. 10 (1975), p. 272.

[32] Jian-Ming Shen, Sđd, tr. 18.

[33] Sđd, tr. 17.

[34] Elizabeth van Wie Davis: China and the Law of the Sea Convention, Follow the Sea, New York, 1995, p. 154.

Cũng xem Marwyn Samuels: Contest for the South China Sea, New York/London, 1982, tr. 16.

Và Shen, Sđd, tr. 21.

[35] Van Wie Davis, Sđd.

Cũng xem Shen, Sđd, tr. 31.

Cũng xem Hungdah Chiu & Choon-ho Park: Legal status of the Paracels and Spratly Islands, Ocean Development and International Law Journal, tập 3 (1975), tr. 43.

[36] Samuels, Sđd, note 31, tr. 38.

[37] Lưu Văn Lợi: Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 10.

[38] Shen, Sđd, tr. 15.

[39] Sđd, tr. 18.

[40] Sđd, tr. 19.

[41] Sđd, tr. 20.

[42] Sđd, tr. 21.

[43] Sđd, tr. 20 và 21. Cũng xem Teh Kuang Chang, Sđd, tr. 400, và Hungdah Chiu, Sđd, lưu ý 32, tr. 463 và 465.

[44] Shen, Sđd, tr. 27.

[45] Sđd.

[46] Xem chú thích 2 ở trang 361, Chiu, Sđd, lưu ý 32.

[47] “… guo Qizhou Yang, Wanlishitang…”. Chữ “guo” của tiếng Trung, nghĩa là “qua” của tiếng Việt.

[48] Shen, Sđd, tr. 28.

[49] Hungdah, Sđd, tr. 463.

[50] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 17.

[51] Samuels, Sđd, tr. 21 và 22.

[52] Sđd, tr. 23.

[53] Gendreau, Sđd, tr. 57 và 58. Cũng xem Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 14.

[54] Vụ án đảo Palmas, Sđd, tr. 846. “Inchoate title must be completed within a reasonable time by effective occupation of the region…”.

[55] Samuels, Sđd, tr. 30-31, 42.

[56] Sđd, tr. 20.

[57] Sđd, tr. 17 và 21.

[58] Ít ra các tác giả sau đây đã viện dẫn Hiệp ước 1887:

– Hungdah, Sđd, tr. 464 và 467.

– Shen, Sđd, tr. 119.

– Tao Cheng, Sđd, tr. 274.

– John Chao: South China Sea: boundary problems relating to the Nansha and Xisha Islands, Chinese Yearbook of International Law, tập 9 (1989-1990): tr. 119 và tiếp theo.

– Steve Kuan Tsy Yu, Who owns the Paracel and Spratlys? An evaluation of the nature and legal basis of the conflicting territorial claims, Chinese Yearbook of International Law, vol. 9 (1989-1990): p. 5, 7 and 8.

– Choon-ho Park, The South China Sea dispute: Who owns the islands and the natural resources? Ocean Development and International Law Journal, vol. 5 (1978): p. 34.

– Marwyn Samuels, Sđd, tr. 52-53.

– Brian Murphy, Dangerous ground: the Spratly Islands and international law, Ocean and Coastal Law Journal, vol. 1 (1994), p. 201.

– Elizabeth van De Wie, Sđd, tr. 52-53.

– Michael Bennet, The PRC and the use of international law in the Spratly Islands dispute, Stanford Journal of International Law, vol. 28 (1992), p. 446.

[59] Hungdah, Sđd, tr. 464.

[60] Shen, supra, tr. 120.

[61] Receuil des Traités de la France, Tome 17 (1886- 1887). Duran & Pedone (Paris), 1891, p. 387.

[62] Convention de Vienne sur le Droit des Traités, 1969, Art. 32.

[63] Có tác giả đã cho rằng Hiệp ước 1887 không ấn định biên giới biển, xem Elizabeth van De Wie, Sđd, tr. 156. Tuy nhiên, nếu theo sát nghĩa lời văn của Điều 2 của bản Hiệp ước (tức là hiểu những từ theo nghĩa thông thường của chúng) thì rõ ràng là kinh tuyến Paris 105°43’ là biên giới biển giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa.

“Les Iles qui sont à l’est du meridien de Paris 105°43’, … c’est à dire de la ligne Nord-Sud passant par le point oriental de l’èle de Tra Co, et formant la frontière…”

[64] Receuil des Traités, Sđd, tr. 387 và 388.

[65] Sđd, Rapport Vaulcomte, tr. 187.

[66] Traité de Paix, d’Amitié et de Commerce conclu à Tien-Tsin le 9/6/1885 entre la France et la Chine, trong Receuil des Traités de la France, Tome 16, tr. 496.

[67] Rapport Vaulcomte, Sđd, tr. 189-191.

[68] Shen, Sđd, tr. 123.

[69] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 105.

[70] Gendreau, Sđd, tr. 123.

[71] Shen, Sđd, tr. 57.

[72] Charles Vallée: Quelqques observations sur l’estoppel en Droit des gens, Revue Générale de Droit International Publie (1973), p. 951, note 7.

[73] D. W. Bowett: Estoppel before International Tribunals and its relation to acquiescence, Bristish Yearbook of International Law, vol. 33 (1957), p. 177.

[74] Antoine Martin: L’Estoppel en droit international public Précédé d’un apercu de la théorie de l’estoppel en droit anglais, Revue Générale de Droit International Publie, vol. 32 (1979), p. 274.

[75] Sđd, tr. 286-300.

[76] Délimitation de la frontière maritime dans la region du Golfe de Maine, Cour Internationale de Justice Receuil, 1984, p. 309-310.

– Activités militaires et para-militaires au Ncarague et contre celui-ci, Cour Internationale de Justice Receuil, 1984. p. 414-415.

– Affaire du Temple Préah Vihear, Cour Internationale de Justice Receuil, 1962, p. 22-23, 32.

[77] Brigitte Bollecker-Stern: L’Affaire des essays nucléaires francais devant la Cour Internationale de Justice, Annuaire Francais de Droit International (1974), p. 329.

Cũng xem Megan Wagner: Jurisdiction by Estoppel in the International Court of Justice, California Law Review, vol. 74, p. 1792.

[78] Cour Internationale de Justice Receuil 1984, Sđd, p. 414.

[79] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 75.

[80] Cour Internationale de Justice Receuil, 1974, tr. 267 và 269.

[81] Lưu Văn Lợi, Sđd, tr. 104-110.

[82] Megan Wagner, Sđd, lưu ý 64, tr. 1780.

[83] Bollecker – Stern, Sđd, tr. 331.

[84] Trong các tác giả phương Tây khẳng định lý lẽ chủ quyền lịch sử của Trung Quốc rất yếu, có ít nhất các tác giả sau:

– Bennett, Sđd, tr. 446;

– Murphy, Sđd, tr. 201;

– Roque Jr., Sđd, tr. 203;

– Chemillier – Gendreau, Sđd, tr. 66;

– Jean Pierre Ferrieer, xem tiếp, tr. 182;

– Samuels, Sđd, tr. 40. Giáo sư Samuels không bàn đến vấn đề chủ quyền, nhưng phân tích lịch sử sự liên hệ của Trung Hoa đối với biển Đông và các đảo; ông viết rằng cho đến thế kỷ XIX không có bằng chứng nào rằng nhà Thanh đã chiếm hữu những đảo này làm sở hữu của mình:

“By the mid-19th Century, the literari cognitive map of the South China Sea had become more elaborate, but still barely touched upon the islands of the sea… There is no evidence here that the Ching State had in any sense absorbed the islands into the imperial domain.”

[85] Jean Pierre Ferrier: Le conflit des iles Paracels et le problème de la souveraineté sur les iles inhabités, Annuảie Francais de Droit International (1975), p. 178: “… quoi qu’il en soit la conquête militaire des iles par la Chine ne peut résoudre le problème juridique: pour qu’une telle occupation, ellegale dans son principe, puisse avoir des effets juridiques, il faut que la reconnaissance par les autres états intervienne et ‘purge juridiquement de ses vices’ l’annexion ainsi réalisée.”

[86] Mark Valencia: China and the South China Sea disputes, Oxford University Press, London, 1995, p. 7.

[87] Bennett, Sđd, tr. 427.

[88] Jeannette Greenfield: China’s practice in the Law of the Sea, Clarendon Press, Oxford, 1992, p. 13.

[89] Mark Valencia, Sđd, tr. 6 và 7. Cũng xem Murphy, Sđd, tr. 209 và 210.

[90] Vụ Sahara Occidental, xem Avis Consultatif, Cour Internationale de Justice Receuil, 1975, tr. 21 tới 28. Trong những trang này, Toà nói về thẩm quyền cho ý kiến của mình thể theo Điều 65, Đoạn 1 trong Quy chế của Toà.

December 9, 2007 Posted by | Uncategorized | 10 Comments

Bai 16 : Hoang Sa – Truong Sa (Phan 4)

Chủ quyền trên hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa

.

Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc

.

TG : Từ Đặng Minh Thu (Tiến sĩ Luật, Đại học Sorbonne) [1]

.

Phần 4 :

.

3. Những lời tuyên bố của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Trung Quốc nói rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa vì những dữ kiện sau đây:

· Ngày 15 tháng 6 năm 1956, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nói rằng “theo những tài liệu của Việt Nam, trên phương diện lịch sử, Xisha và Nansha thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.”

· Ngày 14 tháng 9 năm 1958, trong bối cảnh của thời kỳ chiến tranh lạnh, khi Mỹ bắt đầu can thiệp vào Việt Nam, tuyên chiến với Trung Quốc, và hạm đội Mỹ đi lại tuần tiễu trên eo biển Đài Loan, Trung Quốc bèn tuyên bố lãnh hải của mình là 12 dặm. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi bức công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai nguyên văn như sau:

“Thưa đồng chí Tổng lý

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.[69]

· Ngày 9 tháng 5 năm 1965, nhân lúc Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam và ấn định những vùng chiến thuật, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố Xisha thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Những lời tuyên bố trên không có hiệu lực vì trước năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý những đảo này. Lúc đó, những đảo này nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hoà; mà các chính phủ Việt Nam Cộng hoà luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo. Còn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cũng không tuyên bố điều gì có thể làm hại đến chủ quyền này cả. Tác giả Monique Chemillier-Gendreau đã viết như sau:

“Dans ce contexte, les declarations ou prise de position éventuelles des autorités du Nord Vietnam sont sans consequences sur le titre de souveraineté. Il ne s’agit pas du gouvernement territorialement competent à l’égard des archipels. On ne peut renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité…”[70]

(Có thể dịch là: “Trong những điều kiện này, những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính quyền miền Bắc Việt Nam không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên quần đảo này. Người ta không thể chuyển nhượng những gì người ta không kiểm soát được…”).

Một lý lẽ thứ hai nữa là đứng trên phương diện thuần pháp lý, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó không phải là một quốc gia trong cuộc tranh chấp. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hoà và Philippin. Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp.

Nếu đặt giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thì dựa trên luật quốc tế, những lời tuyên bố đó cũng không có hiệu lực. Tuy nhiên, có tác giả đã nêu thuyết “estoppel” để khẳng định những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam, và Việt Nam bây giờ không có quyền nói ngược lại.[71] Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết “estoppel”.

Điều 38 Quy chế Toà án Quốc tế không liệt kê những lời tuyên bố đơn phương trong danh sách những nguồn gốc của luật pháp quốc tế. Estoppel là một nguyên tắc theo đó một quốc gia không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt động trước kia. Câu tục ngữ thường dùng để định nghĩa nó là “one cannot at the same time blow hot and cold.”[72] Nhưng thuyết estoppel không có nghĩa là cứ tuyên bố một điều gì đó thì quốc gia tuyên bố phải bị ràng buộc bởi lời tuyên bố đó.

Thuyết estoppel bắt nguồn từ hệ thống luật quốc nội của Anh, được thâu nhập vào luật quốc tế. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác.[73]

Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính:

1. Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách minh bạch (clair et non equivoque).[74]

2. Quốc gia nại “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh-Mỹ gọi là “reliance”.

3. Quốc gia nại “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó.[75]

4. Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ. Thí dụ: bản án “Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án “Ngôi đền Preah Vihear”,…[76]

Ngoài ra, nếu lời tuyên bố đơn phương có tính chất một lời hứa, nghĩa là quốc gia tuyên bố mình sẽ làm hoặc không làm một việc gì, thì quốc gia phải thực sự có ý định muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó, thực sự muốn thi hành lời hứa đó.[77]

Thuyết estoppel với những điều kiện trên đã được án lệ quốc tế áp dụng rất nhiều. Trong bản án “Thềm lục địa vùng Biển Bắc” giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Đan Mạch/Hà Lan, Toà án quốc tế đã phán quyết rằng estoppel không áp dụng cho Cộng hòa Liên bang Đức, mặc dù quốc gia này đã có những lời tuyên bố trong quá khứ nhằm công nhận nội dung của Công ước Genève 1958 về t
hềm lục địa, vì Đan Mạch và Hà Lan đã không bị thiệt hại khi dựa vào những lời tuyên bố đó.

Trong bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua” giữa Nicaragua và Mỹ, Toà đã phán quyết như sau: “… ‘Estoppel’ có thể được suy diễn từ một thái độ, những lời tuyên bố của một quốc gia, nhằm chấp nhận một tình trạng nào đó; thái độ hoặc lời tuyên bố không những phải được phát biểu một cách rõ rệt và liên tục, mà còn phải khiến cho một hoặc nhiều quốc gia khác dựa vào đó mà thay đổi hoạt động, và do đó phải chịu thiệt hại”.[78]

Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2/ và 3/ đã nêu ở trên.

Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó. Lúc đó hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa rất thân thiện, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Những lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn do tình hữu nghị Hoa-Việt.[79]

Hơn nữa, lời văn của bản tuyên bố không hề nói rõ ràng minh bạch là công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa. Bức công hàm chỉ nói: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy (quyết định ấn định lãnh hải 12 dặm của Trung Quốc), và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc…”.

Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có thể hiểu là một lời hứa đơn phương, một lời tuyên bố ý định sẽ làm một việc gì (declaration d’intention). Thật vậy, đây là một lời hứa sẽ tôn trọng quyết định của Trung Quốc trong việc ấn định lãnh hải của Trung Quốc, và một lời hứa sẽ ra lệnh cho cơ quan công quyền của mình tôn trọng lãnh hải đó của Trung Quốc.

Một lời hứa thì lại càng khó ràng buộc quốc gia đã hứa. Toà án Quốc tế đã ra thêm một điều kiện nữa để ràng buộc một lời hứa: đó là ý chí thực sự của một quốc gia đã hứa. Nghĩa là quốc gia đó có thực sự muốn bị ràng buộc bởi lời hứa của mình hay không. Để xác định yếu tố “ý chí” (intention de se lier), Toà xét tất cả những dữ kiện xung quanh lời tuyên bố đó, xem nó đã được phát biểu trong bối cảnh, trong những điều kiện nào (circonstances). Hơn nữa, nếu thấy quốc gia đó có thể tự ràng buộc mình bằng cách ký thoả ước với quốc gia kia, thì lời tuyên bố đó là thừa, và Toà sẽ kết luận là quốc gia phát biểu không thực tình có ý muốn bị ràng buộc khi phát biểu lời tuyên bố đó. Vì vậy, lời tuyên bố đó không có tính chất ràng buộc.

Trong bản án “Những cuộc thí nghiệm nguyên tử” giữa Úc/Tân Tây Lan và Pháp, Pháp đã tuyên bố là sẽ ngừng thí nghiệm nguyên tử. Toà án đã phán quyết rằng Pháp bị ràng buộc bởi lời hứa vì Pháp thực sự có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó.[80]

Trong trường hợp Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi tuyên bố sẽ tôn trọng lãnh hải của Trung Quốc, không hề có ý định nói đến vấn đề chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa. Ông đã phát biểu những lời tuyên bố trên trong tình trạng khẩn trương, chiến tranh với Mỹ bắt đầu leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ hoạt động trên eo biển Đài Loan và đe doạ Trung Quốc. Ông đã phải lập tức lên tiếng để ủng hộ Trung Quốc nhằm gây một lực lượng chống đối lại với mối đe doạ của Mỹ.[81]

Lời tuyên bố năm 1965 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như vậy. Động lực của lời tuyên bố đó là tình trạng khẩn trương, nguy ngập ở Việt Nam. Đây là những lời tuyên bố có tính chính trị, chứ không phải pháp lý.

Nếu xét yếu tố liên tục và trường kỳ thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không hội đủ tiêu chuẩn này. Estoppel chỉ đặt ra nếu chấp nhận giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một; và cả Pháp trong thời kỳ thuộc địa, và Việt Nam Cộng hoà trước năm 1975 cũng là một đối với Việt Nam hiện thời. Nếu xem như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia riêng biệt với Việt Nam hiện thời, thì estoppel không áp dụ
ng, vì như đã nói ở trên, lời tuyên bố sẽ được xem như lời tuyên bố của một quốc gia không có quyền kiểm soát trên lãnh thổ tranh chấp. Như vậy, nếu xem Việt Nam nói chung như một chủ thể duy nhất từ xưa đến nay, thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là một sự phát biểu có ý nghĩa chính trị trong đoản kỳ thời chiến, so với lập trường và thái độ của Việt Nam nói chung từ thế kỷ XVII đến nay.

Tóm lại, những lời tuyên bố mà chúng ta đang phân tích thiếu nhiều yếu tố để có thể áp dụng thuyết estoppel. Yếu tố “reliance” (tức là quốc gia kia có dựa vào lời tuyên bố của quốc gia này mà bị thiệt hại), và yếu tố “ý chí” (tức là quốc gia phát biểu lời hứa có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó) rất quan trọng. Không có “reliance” để giới hạn sự áp dụng của estoppel thì các quốc gia sẽ bị cản trở trong việc hoạch định chính sách ngoại giao. Các quốc gia sẽ phải tự ép buộc cố thủ trong những chính sách ngoại giao lỗi thời.[82]. Khi điều kiện chung quanh thay đổi, chính sách ngoại giao của quốc gia kia thay đổi, thì chính sách ngoại giao của quốc gia này cũng phải thay đổi. Các quốc gia đổi bạn thành thù và đổi thù thành bạn là chuyện thường.

Còn những lời hứa đơn phương trong đó quốc gia không thật tình có ý muốn bị ràng buộc, thì nó chẳng khác gì những lời hứa vô tội vạ, những lời hứa suông của các chính khách, các ứng cử viên trong cuộc tranh cử.[83] Trong môi trường quốc tế, nguyên tắc “chủ quyền quốc gia” (état souverain) rất quan trọng. Ngoại trừ tục lệ quốc tế và những điều luật của Jus Congens, không có luật nào ràng buộc quốc gia ngoài ý muốn của mình, khi mà quốc gia này không gây thiệt hại cho quốc gia nào khác. Vì vậy ý chí của quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tính chất ràng buộc của một lời hứa đơn phương.

.

——————————————————————————————————–

III. KẾT LUẬN

Những phân tích trên cho thấy lý lẽ của Việt Nam mạnh hơn của Trung Quốc, vì Việt Nam đã sử dụng hai quần đảo liên tục trong ba thế kỷ, sử dụng một cách hoà bình không có sự phản đối của bất cứ một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Không những thế, sách sử của Trung Quốc lại còn công nhận rằng những quần đảo đó là vòng đai phòng thủ của Việt Nam, và qua thái độ của họ trong thời gian đó thì Trung Quốc cũng đã mặc thị công nhận chủ quyền của Việt Nam trên những quần đảo này. Nếu cho rằng Chúa Nguyễn đã khai thác các đảo từ đầu thế kỷ XVII, sau gần 100 năm, chủ quyền lịch sử của Việt Nam đã hoàn tất. Chủ quyền lịch sử đó lại được củng cố thêm qua sự chiếm hữu của vua Gia Long và Minh Mạng. Đồng thời, chủ quyền vẫn được hành xử liên tục qua sự khai thác và quản trị của hai Đội Hoàng Sa và Bắc Hải, là những bộ phận của nhà nước.

Phía Trung Quốc cũng đã đưa ra những tài liệu để chứng minh rằng mình đã khám phá và hành xử chủ quyền trước tiên. Tuy nhiên, những tài liệu này chỉ cho thấy những thuyền bè của Trung Quốc thời đó đã lui tới Biển Đông, và trong lộ trình, họ tình cờ thấy những đảo mang nhiều tên khác nhau, nhưng không có đảo nào tên là Xisha hay Nansha. Nếu đặt giả thuyết là Trung Quốc đã khám phá ra những đảo này, thì Trung Quốc đã không hành xử chủ quyền trên đó. Sự hiện diện của những người đánh cá không đủ để gọi rằng đó là hành xử chủ quyền của nhà nước. Do đó, chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc khẳng định mình có, rất yếu. Phần lớn các tác giả luật gia chuyên về luật quốc tế, trừ những tác giả Trung Hoa, đều công nhận điều này.[84] So sánh chủ quyền lịch sử viện dẫn bởi hai bên, chúng ta có thể kết luận rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Việt Nam mới là quốc gia có chủ quyền lịch sử trên hai quần đảo. Phân tích còn cho thấy chủ quyền lịch sử của Việt Nam đã được hoàn tất từ thế kỷ XVII, dưới thời Chúa Nguyễn.

Hiệp ước Pháp-Thanh 1887 không trao chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc vì Hiệp ước này chỉ là hiệp ước ấn định biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Do đó, nó chỉ ấn định phần biên giới ở Vân Nam, Quảng Đông và Vịnh Bắc Bộ.

Những lời tuyên bố trước đây của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về hai quần đảo
này không có hiệu lực vì trước năm 1975 hai quần đảo này không thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hoà. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó không phải là quốc gia tranh chấp, nên những lời tuyên bố này chỉ là những lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không liên can. Hơn nữa, lúc đó nếu không chấp nhận rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia thứ ba, thì “estoppel” cũng không áp dụng trong những trường hợp này, vì Trung Quốc đã không bị thiệt hại gì, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không hưởng lợi gì qua những lời tuyên bố đó. Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ là một lời hứa bị tác động bởi hoàn cảnh chiến tranh. Cuối cùng, nếu xem ba lời tuyên bố này như là của Việt Nam nói chung, thì nó thiếu tính liên tục và trường kỳ để có thể làm mất đi chủ quyền của Việt Nam, với tư cách là một chủ thể duy nhất, đã hành xử và khẳng định quyết liệt từ hơn ba thế kỷ nay.

Trên thực tế thì hiện nay, Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã cho xây cất nhiều công trình nhằm củng cố sự chiếm hữu bất hợp pháp. Một sự chiếm hữu bất hợp pháp, với thời gian, nếu không có sự phản đối từ quốc gia kia, và nếu có sự thừa nhận của các quốc gia thứ ba, sẽ tạo nên chủ quyền cho quốc gia chiếm hữu. Vì thời gian với sự công nhận sẽ “tẩy xoá tội lỗi”.[85]

Trong hoàn cảnh hiện tại, muốn bảo đảm cho sự chiếm hữu của Trung Quốc không thể tạo ra chủ quyền được, thì Việt Nam phải thường xuyên lên tiếng phản đối và khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa (và cả Trường Sa nữa). Việt Nam cũng nên công khai đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Toà án Quốc tế. Nếu Trung Quốc thật tình tin tưởng rằng mình có căn bản pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này, thì Trung Quốc không có lý do gì để từ chối một giải pháp pháp lý.

Còn Trường Sa thì hiện nay đang bị 6 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm giữ là: Philippin, Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Malaxia và Brunây. Quốc gia nào cũng đòi chủ quyền của mình trên hết cả quần đảo hoặc một số đảo. Đến nay, vấn đề vẫn chưa giải quyết được mà còn trầm trọng thêm.

Năm 1988, Trung Quốc lần đầu tiên ra đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa, tàu của Việt Nam bị đánh đắm, nhưng Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ đến cứu. Đây là một sự vi phạm những điều luật cơ bản nhất của chiến tranh. Như vậy, có thể suy đoán Trung Quốc sẽ không ngần ngại gì mà không tiếp tục sử dụng vũ lực. Từ đó đến nay, lâu lâu, Trung Quốc lại chiếm thêm vài đảo ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc một mặt vẫn hô hào tôn trọng luật quốc tế, và đề nghị thương thuyết song phương, nhưng lời nói của Trung Quốc không đi đôi với việc làm.[86] Vì vậy, không thể dựa vào những lời nói của Trung Quốc để kết luận rằng Trung Quốc sẽ ngừng không dùng vũ lực. Viễn tưởng Trung Quốc dùng biện pháp vũ lực để thôn tính hết các đảo tại quần đảo Trường Sa càng dễ xảy ra hơn, khi mà Mỹ và Nga đã rút khỏi Biển Đông, để lại một khoảng trống chính trị và quân sự tại vùng này, khiến cho Trung Quốc hiện nay là một quốc gia bá chủ ở Biển Đông.[87] Điều này rất đáng lo ngại. Trung Quốc nắm hết cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nắm hết Biển Đông, mà Biển Đông là con đường giao thông quan trọng của các thuyền bè Nga, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới.[88]

Một giải pháp thương thuyết song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp khó thực hiện được một cách công bằng, vì sức mạnh để thương thuyết giữa hai bên không bằng nhau, nó chênh lệch và mạnh dĩ nhiên là Trung Quốc. Cũng vì vậy mà Trung Quốc cho đến nay chỉ chấp nhận thương thuyết song phương. Trung Quốc muốn thương thuyết song phương để buộc quốc gia đối phương phải thương thuyết theo chiều mà Trung Quốc muốn. Nếu không Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực.[89] Đây chỉ là một chiến thuật để Trung Quốc tranh thủ thời gian để củng cố thêm thế của mình đối với hai quần đảo. Thời gian càng kéo dài thì càng có lợi cho Trung Quốc.

Giải pháp khai thác chung mà Trung Quốc đề nghị không thể thực hiện được khi mà vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết. Như vậy, thời gian càng kéo dài thì lại càng củng cố được những sự chiếm hữu bất hợp pháp, và quốc gia nào có chủ quyền pháp lý vững vàng sẽ bị thiệt thòi.

Giải pháp đưa ra Toà án Quốc tế hoặc Trọng tài Quốc tế có lẽ công bằng nhất, nhưng Trung Hoa ngày xư
a đã hơn một lần phủ nhận giải pháp này, khi Pháp đề nghị vào năm 1932 và năm 1947. Đối với Trung Quốc bây giờ thì lại càng khó hơn nữa.

Giải pháp hiện thời, thực tiễn nhất là đem ra khối ASEAN hoặc Liên hợp quốc để giải quyết. Liên hợp quốc là giải pháp có thể hữu hiệu hơn, vì đem ra cơ quan này có tính cách khoáng đại, cho phép Mỹ, Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác tham dự vào. Hơn nữa, trường hợp Liên hợp quốc không giải quyết được, hoặc nếu có vấn đề trong việc giải quyết, Liên hợp quốc vẫn có quyền đem vấn đề ra Toà án quốc tế và yêu cầu Toà cho ý kiến (avis consultatif) mà không cần sự đồng ý của bất cứ quốc gia nào. “Thủ tục cho ý kiến” của Toà án Quốc tế không có hiệu lực quyết định như một bản án thực sự, nhưng nó vẫn có một tác động mạnh mẽ trong dư luận thế giới. Vụ tranh chấp vùng Tây Sahara đã được Toà cho ý kiến trong những hoàn cảnh như trên (nghĩa là thể theo yêu cầu của Liên hợp quốc). [90]

Cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Để càng lâu, nó càng đe dọa hòa bình ở Đông Nam Á và có thể là hoà bình thế giới.

TG : Từ Đặng Minh Thu

* Tham luận đọc tại Hội Thảo Hè “Vấn Đề Tranh Chấp Biển Đông” tại New York City, ngày 15-16 tháng 8, 1998.


(Mục “Chú thích tài liệu tham khảo” nằm ở phần tiếp theo)

December 9, 2007 Posted by | Uncategorized | 2 Comments

Bai 16 : Hoang Sa – Truong Sa (Phan 3)

Chủ quyền trên hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa

.

Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc

.

TG : Từ Đặng Minh Thu (Tiến sĩ Luật, Đại học Sorbonne) [1]

.

Phần 3 :

1.3. Chủ quyền lịch sử viện dẫn bởi Trung Quốc

Trung Quốc cũng viện dẫn quyền khám phá và sự hành xử chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

1.3.1. Quyền khám phá :

Trung Quốc đã khẳng định rằng mình đã khám phá ra hai quần đảo tranh chấp từ đời nhà Hán, năm 206 trước Công nguyên. Tuy nhiên, có tác giả Trung Hoa lại xác định là những tài liệu sớm nhất ghi chép sinh hoạt của người Trung Hoa trên những đảo này, thuộc đời nhà Tống (thế kỷ XIII).[31]

Trung Quốc đã viện dẫn nhiều đoạn trích từ sách sử địa của mình. Nhưng thực tế cho thấy các đoạn do Trung Quốc đưa ra, chỉ tả hai quần đảo như những gì nằm trong lộ trình đi ngang Biển Đông mà thôi. Ngoài ra, các đoạn được viện dẫn trước thế kỷ XIII cũng không nói đến đảo nào, mà chỉ nói đến biển Nam Hải. Những đoạn sách viết từ thế kỷ XIII mới bắt đầu nêu tên đảo, nhưng không có đoạn nào nói tới Xisha và Nansha. Nhiều điểm từ những đoạn được nêu ra, còn cho thấy rõ ràng Wanlishitang (Vạn Lý Thạch Sành) mà Trung Quốc nói là Nansha thực tế không phải là Nansha mà là đảo khác.

a) Sách sử trước thế kỷ XIII

· Quyển Dị vật chí thời Hán (Yi Wu Zhi), viết như sau:[32]

“Có những đảo nhỏ, cồn cát, đá ngầm, và băng cát tại Nam Hải, nơi đó nước cạn và đầy đá nam châm…”.

Những câu tả này rất mơ hồ, chỉ viết “có những đảo nhỏ”, mà không nói rõ đảo nào.

· Quyển Zuo Zhuan viết từ thời Xuân Thu, ghi như sau:[33]

“Triều đại vẻ vang của nhà Chu trấn an dân man di để viễn chinh vùng Nam Hải (đảo) để làm sở hữu của Trung Hoa…”

Chữ “đảo” là do tác giả Jian-Ming Shen thêm vào trong dấu ngoặc để ám chỉ rằng “Nam Hải” có nghĩa là “những đảo ở vùng Nam Hải”. Bản văn bằng tiếng Trung Hoa chỉ ghi “Nam Hải” chứ không phải “NamHaidao”.

b) Sách sử từ thế kỷ XIII

· Quyển Chư Phiên Chí (thế kỷ XIII) có ghi rằng: “Phía Đông Hải Nam là Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường, và ngoài nữa là đại dương vô tận…” [34]

· Quyển Hải Lục (On the Sea), tác giả Hoàng Chung, xuất bản đời Minh, ghi rằng: “Vạn Lý Trường Sa nằm ở Đông Nam của Vạn Lý Thạch Đường…”.[35]

· Ngay cả những tài liệu sử thế kỷ XIX của Trung Hoa, đồng thời với sự chiếm hữu và hành xử chủ quyền của các vua nhà Nguyễn tại Việt Nam, cũng chỉ tả những đảo này như những gì tình cờ thấy, nằm trên lộ trình xuyên Biển Đông của các thuyền Trung Hoa.

Hơn thế nữa, có tài liệu còn mặc nhiên công nhận sự liên hệ của các quần đảo đối với Việt Nam, nếu không muốn nói rằng nó công nhận những quần đảo này là biên phòng của An Nam. Thí dụ quyển Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) viết:

“Lộ trình phía ngoài được nối liền với lộ trình phía trong bởi Vạn Lý Trường Sa nằm giữa biển. Chiều dài của quần đảo khoảng vài chục ngàn dặm. Nó là bức màn phòng thủ phía ngoài của An Nam.[36]

Từ đó, ta có những nhận xét sau đây về những chứng cớ lịch sử về quyền khám phá của Trung Quốc:

Không có một quyển sách sử nào nói đến hai cái tên Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), và không có một quyển sách nào nói đến chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này.[37] Những sách sử địa của Trung Quốc nhắc đến rất nhiều tên, nào là Qianli Chang sha, Wanlishitang, Quianlishitang, Jiuruluozhou, Qizhouyang, Zizhousan. Và bây giờ Trung Quốc nói rằng tất cả những tên đó đều ám chỉ Xisha và Nansha. Vì vậy, muốn xét đến những chứng cớ lịch sử này, thiết tưởng cần phải có những chuyên viên để nghiên cứu tại chỗ và khẳng định các tên này có đúng là Xisha và Nansha mà Trung Quốc nói tới hay không.

1.3.2 Hành xử chủ quyền

Những dữ kiện mà Trung Quốc và các tác giả Trung Hoa đưa ra để chứng minh mình hành xử chủ quyền trên hai quần đảo gồm có: những cuộc thanh tra, những cuộc viễn chinh, và những di vật đào bới được từ các đảo

Thanh tra và viễn chinh

Phần lớn những bài viết về thanh tra và viễn chinh là sự khẳng định nhưng không có đoạn sử nào được viện dẫn để chứng minh điều này.

*Trước nhà Nguyên

Đoạn sau đây được trích, không phải từ sách sử nào cả, mà từ kết luận của một viên chức chính quyền Trung Quốc, giáo sư Wang Hengjie thuộc Trung tâm chuyên về các sắc tộc thiểu số, vào năm 1991, dựa trên những di tích được đào bới trên đảo Xisha để kết luận rằng nhà Chu đã có những cuộc viễn chinh trên quần đảo này:

“Chính quyền nhà Chu thuộc thời Xuân Thu không những chinh phục những “dân man rợ” ở phía Nam, mà cũng tổ chức những cuộc viễn chinh trên những đảo của biển Nam Hải để chiếm làm đất Trung Hoa…”.[38]

Đây chỉ là một kết luận của một viên chức nhà nước vào năm 1991, chứ không phải từ sách sử khách quan. Nếu đã có những cuộc viễn chinh, và những hoạt động khác thì tại sao lại không được ghi trong sách sử của Trung Hoa – tương đương với những ghi chú trong sách sử của Việt Nam ? Trung Hoa vẫn tự hào là xứ văn minh và các dân tộc khác là “man di” mà tại sao không biết ghi những hoạt động của nhà nước vào sách sử của mình, nếu những hoạt động đó có thực?

Tác giả Shen viết rằng trong quyển Hậu Hán thư có ghi: Chen Mao được bổ nhiệm làm quan Thái thú ở tỉnh Giao Chỉ (Jiaozchi) đã có những cuộc tuần tiễu và “thám thính trên (các đảo của) biển Nam Hải”. Và ông ta đã ghi trong dấu ngoặc ch
viết bằng tiếng Trung là “xing bu Zhanghai.[39]

Đoạn này cho thấy không có chỗ nào nói đến Xisha và Nansha cả. Hơn nữa, chữ “đảo” là do tác giả thêm vào trong dấu ngoặc, chứ bản viết tiếng Trung mà ông ta chêm trong ngoặc kép (xing bu Zhanghai) không có chữ “đảo”, mà chỉ là thám thính Zhanghai, tức là Nam Hải, mà thôi.

Tác giả Shen cũng viết rằng quyển Nam châu dị vật chí (Nanzhou Yiwu Zhi) kể những thuỷ thủ nhà Hán đi viễn chinh từ bán đảo Malaixia trở về Trung Hoa. Rồi ông trích câu trong Nam châu dị vật chí: “đi thuyền về phía Đông Bắc, người ta gặp rất nhiều đảo nhỏ, đá ngầm, bãi cát ngầm, trở nên rõ rệt tại biển Nam Hải, nơi đây nước cạn và có nhiều đá nam châm”.[40] Như vậy, trong Nam Châu dị vật chí không có chỗ nào nói đến viễn chinh trên đảo Xisha và Nansha, hoặc tuần hành quanh đảo này, mà chỉ nói chung chung là họ đi thuyền qua Biển Đông mà thôi, hoặc viễn chinh tại các vùng như Malaxia, Bornéo.

Chỗ khác, tác giả Shen viết là chính quyền địa phương dưới triều đại nhà Tấn đã hành xử chủ quyền trên đảo Xisha và Nansha bằng cách gửi tàu đi tuần tiễu trên vùng biển quanh đó. Để chứng minh điều này, tác giả viện dẫn quyển Quảng Đông tổng chí (General Record of Quangdong) do Hao Yu-lin viết, có ghi là quan phụ trách những vấn đề biển Nam Hải thời đó, có đi tuần tiễu và thám thính tại biển Nam Hải (xing bu ru hai).[41] Ở đây cũng như trên, tác giả Shen không trích thẳng đoạn nào trong quyển Quảng Đông tổng chí ghi lại sự kiện trên, nên chúng ta không biết chính thức đoạn đó viết như thế nào.

Chỉ 4 chữ tiếng Trung được ghi trong dấu ngoặc là “xing bu ru hai”. Nếu đây là nguyên văn trong sách sử, thì nó chỉ nói đến thám thính trên biển Nam Hải (nếu thật tình là biển Nam Hải, vì chúng ta không biết đây có phải là biển Nam Hải không hay là biển khác).

Dù sự kiện đi tuần tiễu thám thính có thật đi chăng nữa thì nó chỉ tổng quát tại biển mà Trung Quốc nói là biển Nam Hải, chứ không nói là tuần tiễu quanh hai đảo Xisha và Nansha. Mà nếu sự thật là biển Nam Hải, thì nó rộng mênh mông làm sao mà biết được họ có tuần tiễu quanh hai quần đảo Xisha và Nansha hay không. Và nếu có, có phải là tuần tiễu để thanh tra đảo với tư cách là chủ của đảo hay chỉ là tuần tiễu vùng biển nói chung? Nguyên văn quyển sách mà tác giả Shen nói có thực sự viết đó là những cuộc tuần tiễu hay chỉ là đi thuyền ngang qua đó mà thôi?

Chỗ khác, tác giả Shen khẳng định là hai đảo được đặt dưới quyền quản trị của huyện Qiongzhou (là Hải Nam bây giờ), nhưng không viện dẫn chứng cớ lịch sử nào cả, mà footnote chỉ ghi là tài liệu của một cơ quan chính quyền của Trung Quốc năm 1992.[42] Vả lại, nếu Trung Hoa thời đó có sáp nhập hai quần đảo và đảo Hải Nam đi nữa, thì sự sáp nhập không cũng không đủ để tạo nên chủ quyền theo tiêu chuẩn của luật quốc tế.

Trung Quốc cũng cho rằng những di vật tìm thấy trên các đảo chứng minh rằng dân Trung Hoa đã sống ở đó. Những di tích lịch sử đào được trên đảo Xisha như bình, đồ gốm, và các di vật khác từ những năm 420 cho đến thời nhà Thanh, cho thấy từ thế kỷ thứ V, dân Trung Hoa đã sinh sống làm ăn trên các đảo vùng biển Nam Hải.[43] Từ đó Trung Quốc lập luận rằng vì dân Trung Quốc sinh sống ở đó, nên Trung Quốc có chủ quyền.

Tuy nhiên, luật quốc tế không chấp nhận chủ quyền trên một lãnh thổ được thụ đắc vì có dân sống trên đảo. Trên đảo có rất nhiều loại dân sinh sống tuỳ theo mùa, kể cả dân Việt Nam chứ không phải chỉ có dân Trung Hoa và tư nhân không có quyền chiếm hữu lãnh thổ.

* Từ thời nhà Nguyên đến nay

Trung Quốc viện dẫn rằng Trung Quốc gửi một nhà chiêm tinh học đến đảo để tham quan và lấy kích thước đảo.[44]

– Những cuộc viễn chinh được viện dẫn cho thời kỳ này thực ra là viễn chinh đến những vùng khác như vùng Java chứ không phải tại Xisha hoặc Nansha.

– Đo
n được viện dẫn để chứng minh cho những cuộc tuần tiễu và viễn chinh trên đảo Xisha và Nansha, trích từ quyển Nguyên Sử (Yuan Shi) như sau:

“… thuyền đi qua Qizhou Yang và Wanlishitang, ngang Jiaozhi (Giao Chỉ) và Zhangcheng (Quy Nhơn),… họ đổ bộ lên những đảo như Hundun Dayang, đảo Ganlan, Jialimada, và Julan, họ đóng ở đó và chặt cây để làm những thuyền nhỏ…”

Tác giả giải thích Qizhou Yang và Wanlishitang là Xisha và Nansha, còn Jialimada là Bornéo hiện nay [45]. Tuy nhiên, điểm này mâu thuẫn với đoạn trích trong quyển Hải Lục:

“Vạn Lý Trường Sa nằm ở Đông Nam của Vạn Lý Thạch Đường”.[46]

Dựa vào câu trích dẫn trên trong quyển Hải Lục, nếu chấp nhận hai cái tên này ám chỉ Nansha và Xisha, thì Vạn Lý Trường Sa phải là Nansha, còn Vạn Lý Thạch Đường phải là Xisha. Thế nhưng, quyển Nguyên Sử nói trên thì lại được diễn giải Vạn Lý Thạch Đường (Wanlishitang) tức là Nansha, và Qizhou Yang tức là Xisha. Rút cuộc người đọc không biết đâu là Nansha, đâu là Xisha nữa. Nếu ráp hai câu trích dẫn trên với câu trong quyển Chu Phan Chí đã được nêu ở đoạn trên: “Phía Đông Hải Nam là Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường”, thì Vạn Lý Thạch Đường có thể là Macclesfield Bank. Tác giả Marwyn Samuels cũng khẳng định như vậy (xem sách của Marwyn Samuels, tr. 18 và 19, Reference Note 31).

Một điểm khác có thể chứng minh Wanlishitang thực ra là Macclesfield Bank là câu trích trên của quyển Nguyên Sử:

“… thuyền đi qua Qizhou Yang và Wanlishitang, ngang Jiaozhi (Giao Chỉ) và Zhangcheng (Quy Nhơn),…”.

Nếu theo thứ tự trước sau trong lộ trình thì Wanlishitang không thể là Nansha, mà là Macclesfield Bank vì thuyền không thể đi ngang Nansha trước khi đi ngang qua Giao Chỉ được. Hơn nữa, đoạn này cho thấy thuyền chỉ đi qua Quizhou Yang và Wanlishitang, chứ không có chỗ nào nói là tuần tiễu trên hai đảo Xisha và Nansha (nếu chấp nhận Qizhou Yang và Wanlishitang là Xisha và Nansha).[47]

Một đoạn khác được viện dẫn từ quyển Đảo Di Chí Lược (Abridged Records of Islands and Barbarians) của Wang DaYuan mà tác giả giới thiệu là một nhà hàng hải nổi tiếng thời Nguyên:

“Gốc của Shitang bắt nguồn từ Chaozhou. Nó ngoằn ngoèo như một con rắn dài nằm trên biển, vắt ngang biển tới gần nhiều nước; nó được gọi theo lối bình dân là: Wanlishitang. Theo sự ước đoán của tôi, nó dưới 10.000 lý… Ta có thể nhận định được những nhánh của nó. Một nhánh vươn tới vùng Java, một nhánh Boni và Gulidimen, và một nhánh vươn tới phía tây của biển về phía Kunlun… Muốn an toàn thì nên tránh nó, vì đến gần rất nguy hiểm.[48]

Cả đoạn này cũng thế, không thấy nói là quân của Trung Hoa đi tuần tiễu quanh đảo hoặc đi viễn chinh đổ bộ lên đảo. Ngược lại, quần đảo được tả như là một con quái vật, có phần ghê gớm và đáng sợ, đáng tránh xa là đằng khác. Nếu tả một lãnh thổ mà mình xem như sở hữu của mình thì không bao giờ văn lại xa lạ như vậy cả.

Trung Quốc cũng lập luận rằng dưới thời Minh, thế kỷ XV, nhà thám hiểm Cheng Ho (Trịnh Hoà) đã đi xuyên Biển Đông 7 lần, và khi trở về đã đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ.[49]

Tuy nhiên, những chuyến đi này hoàn toàn không hề có sự chiếm hữu hai quần đảo nói trên.[50] Những chuyến đi này không phải là viễn chinh để chiếm hữu đất mà nhằm thám hiểm biển để biết địa hải, tìm mối giao thương, và phô trương lực lượng với các quốc gia trong vùng, chư hầu của Trung Hoa.[51]

Tác giả Samuels kết luận rằng ngay trong thời ấy các đảo vẫn không được Trung Hoa chú ý tới.[52]

Để kết luận cho đoạn “chủ quyền lịch sử c
a Trung Quốc”, chúng ta có thể nói rằng những đoạn viết trước thế kỷ XIII chỉ chứng minh được việc các thuyền của Trung Hoa có đi lại trên biển Nam Hải. Những tại liệu này không nói đến một tên đảo nào trong hai quần đảo cả. Những tài liệu đầu tiên nêu tên đảo là những tài liệu cuối đời nhà Nguyên và dưới đời nhà Tống (thế kỷ XIII). Tuy nhiên những tài liệu này nêu tên Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường – không biết có phải là Xisha và Nansha hay không, nhất là Vạn Lý Thạch Đường – được tả nằm ở phía đông đảo Hải Nam, thì chắc chắn không phải là Nansha, mà có thể là Macclesfield Bank. Dù sao, những tài liệu này cũng chỉ chứng minh các thuyền của Trung Hoa có đi ngang và tình cờ thấy các đảo này trên lộ trình xuyên Biển Đông. Không có chữ nào cho thấy rằng Trung Hoa đã cho tàu đi tuần tiễu quanh các đảo đó với tư cách là chủ của đảo, để bảo vệ đảo, như là biên giới của mình. Cũng không có câu nào chứng minh rằng Trung Hoa đã tổ chức những cuộc viễn chinh trên hai quần đảo Xisha và Nansha, mà chỉ nói đến đi trấn an Giao Chỉ, viễn chinh ở Malaixia, Bornéo, Java.

Theo luật quốc tế cổ điển thì chỉ nhìn thấy đảo không cần đổ bộ lên là được chủ quyền trên quyền khám phá. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này áp dụng cho các quốc gia phương Tây ngày xưa ra đi để khám phá, để tìm đất mới. Còn Trung Quốc chỉ đi ngang, tình cờ thấy, sau đó không hề chiếm hữu, không hề xem đảo như là của mình, để rồi mấy thế kỷ sau, khi quốc gia khác chiếm, mới cho rằng mình đã khám phá. Trường hợp như vậy cũng phải đặt câu hỏi là chỉ tình cờ trông thấy, không hề có ý định chiếm đất thì có thực sự là quyền khám phá theo nghĩa pháp lý hay không? Có thể nại quyền khám phá hay không khi thiếu yếu tố tinh thần là ý chí muốn tìm thấy đất mới và xem nó thuộc quyền sở hữu của mỉnh? Trường hợp Trung Hoa là “biết” chứ không phải khám phá.[53]

Đặt giả thuyết là Trung Hoa có quyền khám phá, thì quyền khám phá này mới là quyền ban đầu, quyền phôi thai (inchoate title), bởi vì sau đó Trung Hoa không hề chiếm hữu đảo, dù là chiếm hữu tượng trưng, không hề đổ bộ lên đảo, và không hề hành xử chủ quyền. Nói chung là không hề xem đảo như là của mình. Toà án quốc tế đã phán quyết nhiều lần rằng quyền khám phá phải được hoàn tất bởi sự chiếm hữu, trong một thời gian tương đối, thì mới có hiệu lực.[54]

Giáo sư Marwyn Samuels đã phân tích thái độ của Trung Hoa thời đó. Ông cho rằng chính sách của Trung Hoa cuối thời nhà Minh và thời nhà Thanh, không quan tâm đến vùng biển ngoài khơi mà chỉ chú tâm đến việc trấn giữ biên cương nội địa, vùng SinKiang (Tân Cương), Mông Cổ và biên giới phía bắc, nên lực lượng hải quân rất kém.[55]

Dưới thời nhà Nguyên, là thời lực lượng hải quân hùng mạnh (thế kỷ XIV), Trung Hoa cũng vẫn không quan tâm đến những đảo ngoài khơi biển Đông, và không có ý định chiếm hữu chúng.[56] Ngược lại, các thuyền bè còn sợ chúng và tránh không dám đến gần vì sợ đá ngầm và nước cạn đã từng làm đắm bao nhiêu tàu của các nước khác. Các thuỷ thủ Trung Hoa thời đó đã có câu tục ngữ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác:

“Trên đường đi ra thì sợ Thất Châu (tức là Thất Châu Dương mà Trung Quốc bây giờ cho là Xisha), trên đường đi về thì hãi Côn Lôn.”[57]

Với tâm lý thời đó như vậy làm sao Trung Hoa có thể xem đảo như sở hữu chủ nhằm viễn chinh và tuần tiễu quanh đảo nhằm bảo vệ đảo được? Điều này được kiểm chứng bởi những thái độ im lặng không phản đối sự hành xử chủ quyền của Việt Nam, mặc dù Trung Hoa biết đến những hoạt động của Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải. Nó cũng được kiểm chứng bởi vụ đắm tàu La Bellona và Imeji Maru (xem mục I của bài này).

Tất cả những dữ kiện trên cho thấy Trung Hoa không những không hành xử chủ quyền, không xem những quần đảo như của Trung Hoa, mà lại còn minh thị và mặc thị công nhận chủ quyền của Việt Nam.

.

2. Hiệp ước 1887

Trung Hoa ngày xưa đã viện dẫn Hiệp ước Pháp – Thanh ký năm 1887 để khẳng định rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về mình. Sau này, phát ngôn viên của Trung Quốc và các tác giả Trung Quốc đều nhiều lần dùng Hiệp ước này để khẳng định Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.

Thực sự, Hiệp ước này không phải là hiệp ước phân chia những đảo ở ngoài xa khơi (high sea) giữa toàn bộ nước Việt Nam và Trung Hoa mà chỉ ấn định biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Ngày nay, trong những cuộc đàm phán, Trung Quốc không nhắc đến Hiệp ước này nữa. Nhưng cho đến hiện tại, không ít các tác giả mà phần lớn là những tác giả Trung Hoa sống ở nước ngoài viết về vấn đề này, vẫn viện dẫn Hiệp ước 1887 như một trong những lý lẽ chính để chứng minh là hai quần đảo thuộc về Trung Quốc. Và một số các tác giả phương Tây, có lẽ vì ảnh hưởng dây chuyền, dùng những bài viết trên, nên cũng kết luận là Hiệp ước này trao cho Trung Hoa chủ quyền trên các đảo tranh chấp.[58] Vì vậy, thiết tưởng cũng nên làm sáng tỏ sự lầm lẫn này, vì ảnh hưởng dây chuyền của nó trong dư luận thế giới.

Một số tác giả trên đã trích đoạn sau đây của Hiệp ước để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.

“Từ Quảng Đông, những điểm tranh chấp nằm từ phía đông đến phía tây bắc của Móng Cái, ngoài biên giới đã được hai phái bộ xác định, có thể coi là thuộc về Trung Quốc. Những hòn đảo nằm ở phía đông dọc đường kinh tuyến đông 105°43’ của Paris, có nghĩa là trục bắc-nam đi qua điểm phía đông của đảo Tch’a Kou hay Ouan-Chan (Trà Cổ) và làm thành đường biên giới, cũng thuộc về Trung Quốc. Các đảo Go-tho và các đảo khác nằm phía tây của đường kinh tuyến thuộc về An Nam.”

Các tác giả trên lý luận rằng vì Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía đông kinh tuyến Paris 105°43’ nên thuộc về Trung Quốc.[59]

Có tác giả cho rằng phải giải thích Hiệp ước theo sát nghĩa lời văn trong Hiệp ước.[60] Thực ra, nếu giải thích sát nghĩa, thì phải hiểu Hiệp ước 1887 là một hiệp ước phân chia biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa mà thôi, chứ không phải chia các đảo ở ngoài xa khơi (high sea, haute mer), không thuộc vùng biển của miền Bắc Việt Nam. Chỉ cần nhìn tên của Hiệp ước cũng đủ để thấy điều đó. Tên Hiệp ước là “Convention relative à la delimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin.”[61]

Hơn nữa, Công ước Vienne về điều ước quốc tế có ấn định rằng một hiệp ước phải được giải thích sát nghĩa những từ được dùng trong hiệp ước, nhưng nếu phương pháp này đưa đến một sự “vô lý hay ngu xuẩn”, thì có thể dùng những tài liệu hoặc hiệp ước khác, có liên quan đến hiệp ước này, hoặc tìm hiểu mục đích của hiệp ước để giải thích những điểm không rõ rệt.[62]

Dựa vào những điều khoản trên của Công ước Vienne, chúng ta có thể xét Hiệp ước 1887 theo ba phương pháp:

1) Xét sát nghĩa lời văn của Hiệp ước

2) Xét toàn thể bản Hiệp ước

3) Tìm hiểu mục đích của Hiệp ước.

.

2.1. Xét sát nghĩa lời văn bản Hiệp ước

Việc này thật ra rất đơn giản trong trường hợp Hiệp ước 1887, như đã nói trên, chỉ cần nhìn tên của Hiệp ước trên bản chính bằng tiếng Pháp, cũng đủ thấy Hiệp ước này chỉ liên quan đến biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Tiếng Pháp “Tonkinlà miền Bắc Việt Nam. Trong thời thuộc địa, Pháp đã chia Việt Nam ra làm ba kỳ: miền Bắc gọi là Tonkin, miền Trung gọi là An Nam hoặc vẫn giữ tê
n của cả nước Việt Nam, và miền Nam gọi là Cochinchine. Các tác giả nêu trên tưởng rằng
Tonkin là toàn thể nước Việt Nam.

Chữ “frontière” dùng trong Điều 2 của Hiệp ước cho thấy rõ ràng là kinh tuyến Paris 105°43’ là biên giới biển, nhưng chỉ là biên giới biển thuộc miền Bắc Việt Nam (Tonkin), chứ không phải là đường phân chia các đảo ngoài khơi xa, ngang với miền Trung Việt Nam và miền Nam Việt Nam. Hiệp ước đã ấn định rõ chiều hướng của biên giới đó là hướng bắc nam, và nó kéo ngang góc đông của đảo Trà Cổ. Và vì đây là biên giới giữa Tonkin và Trung Hoa nên phải hiểu biên giới này chấm dứt ở điểm nào ngang với ranh giới mà trước kia Pháp đã ấn định giữa Tonkin và Annam (tức là ranh giới giữa miền Bắc Việt Nam và miền Trung Việt Nam).

Việc ấn định biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa cũng dễ hiểu nếu nhìn vào cách Pháp chia và quản trị nước Việt Nam thời đó. Nhằm thực hiện chính sách “chia để trị”, Pháp đã chia Việt Nam thành ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau.

Miền Bắc theo chế độ bảo hộ, miền Trung – vì hệ thống vua và triều đình Huế vẫn còn (dù chỉ là tượng trưng) – nên theo chế độ tự trị, và miền Nam thì theo chế độ thuộc địa. Ba miền được xem gần như ba xứ riêng biệt.

Vì vậy, vấn đề ấn định biên giới chỉ là giữa Tonkin (miền Bắc) và Trung Hoa mà thôi, chứ không phải miền Trung hoặc miền Nam, là chuyện dễ hiểu đối với chính sách thuộc địa của Pháp thời đó. Nói tóm lại, dùng phương pháp giải thích sát nghĩa cho thấy hai chữ “Tonkin” và “frontière” chỉ rõ đây là biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Nó bao gồm biên giới đất và biên giới biển tức là vùng Vịnh Bắc Bộ.[63]

2.2. Xét toàn bộ bản Hiệp ước

Toàn bộ bản Hiệp ước không có chỗ nào nói đến Hoàng Sa và Trường Sa. Toàn văn bản Hiệp ước nói đến việc kẻ biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa, và ấn định những điểm mà Uỷ ban kẻ biên giới của hai bên Pháp-Thanh không đồng ý với nhau được, đó là hai đoạn biên giới Vân Nam và Quảng Đông.

Các tác giả nói trên chỉ viện dẫn đoạn liên quan tới đoạn biên giới Quảng Đông. Tuy nhiên, trước đó, Hiệp ước có nói: “Những điểm mà Uỷ ban hai bên không đồng ý với nhau được, và những điều chỉnh được dự trù ở Điều 3 của Hiệp ước 9-6-1885 được ấn định như sau: ở Quảng Đông, những điểm tranh chấp…”.

Sau đoạn nói đến biên giới Quảng Đông, tới đoạn ấn định biên giới Vân Nam: “Trên vùng biên giới Vân Nam, đường biên giới được ấn định như sau:…”[64]

Nếu theo sự giải thích của Trung Hoa, là tất cả những đảo nào nằm ở phía đông của kinh tuyến Paris 105°43’ thuộc về Trung Hoa, thì không những Hoàng Sa, Trường Sa, mà tất cả các đảo ven bờ biển Việt Nam nằm ở phía đông của kinh tuyến Paris 105°43’ đều thuộc về Trung Quốc. Sự giải thích đưa đến một kết luận “vô lý hoặc ngu xuẩn” (absurd or unreasonable) theo đúng như danh từ mà Công ước Vienne dùng. Do đó, chúng ta có thể tìm hiểu mục đích của Hiệp ước 1887 bằng cách xét các tài liệu và các hiệp ước liên quan đến Hiệp ước 1887.

2.3. Mục đích của Hiệp ước 1887

Nếu đọc bản báo cáo của ông Dureau de Vaulcomte gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp giải thích Hiệp ước 1887, chúng ta càng thấy rõ hơn mục đích của Hiệp ước là kẻ hai đoạn tranh chấp của biên giới miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa.[65]

Hiệp ước 1887 được ký thể theo Điều 3 của Hiệp ước 1885 là một hiệp ước hữu nghị nhằm chấm dứt sự xung đột giữa hai bên Pháp – Thanh. Sau khi Pháp đưa quân đến Việt Nam thì ba Tổng đốc: Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam cho quân vượt biên giới giữa Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Vì vậy, để chấm dứt tình trạng này và vãn hồi lại biên giới cũ, Pháp đã thoả thuận với Trung Hoa ở Điều 3 của Hiệp ước 1885, là hai bên sẽ lập một Uỷ ban kẻ biên giới gồm chuyên viên của cả hai bên để kẻ lại biên giới.

Hiệp ước 1885 cũng ấn định là nếu có điểm bất đồng giữa chuyên viên của hai bên về bất cứ điểm nào liên quan đến việc kẻ biên giới thì Uỷ ban này sẽ chuyển vấn đề sang cho chính quyền hai bên xét xử.[66] Biên giới được kẻ chia ra làm ba đoạn: đoạn biên giới Quảng Tây, đoạn biên giới Quảng Đông, và đoạn biên giới Vân Nam. Việc ấn định đoạn Quảng Tây không gặp rắc rối gì, nhưng hai bên không thoả thuận được trong việc kẻ hai đoạn biên giới Quảng Đông và Vân Nam. Từ đó mới có Hiệp ước 1887 do hai chính quyền ký để giải quyết hai đoạn biên giới trên.

Tại Quảng Đông, sự bất đồng liên quan đến vùng Paklung (Bạch Long) và những đảo quanh đó. Vì có quân thổ phỉ từ Trung Hoa sang tập trung ở vùng này, nên Pháp đã đưa quân đến chiếm đóng. Trung Hoa phản đối, đòi vùng này là vùng của Trung Hoa. Do đó, mới xảy ra sự tranh chấp.[67]

Như vậy, sự tranh chấp không liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc đó, Trung Hoa chưa để ý đến hai quần đảo này, và Pháp cũng chưa biết rằng Việt Nam đã có chủ quyền trên hai quần đảo đó. Vì thế lúc đó chưa hề có tranh chấp trên hai quần đảo này. Cho nên, Pháp và Trung Hoa khi ký kết Hiệp ước 1887 không hề nghĩ đến hai quần đảo này. Tóm lại, mục đích của Hiệp ước 1887 là kẻ hai đoạn biên giới Quảng Đông và Vân Nam; và đường biên giới kẻ theo Điều 2 của Hiệp ước 1887 chỉ giới hạn ở biên giới miền Bắc Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ mà thôi.

Trung Quốc một mặt nói rằng Hiệp ước 1887 áp dụng cho Hoàng Sa và Trường Sa, là những đảo nằm ngoài khơi xa, nhưng mặt khác, khi bàn về biên giới vùng Bắc Bộ thì Trung Quốc lại khẳng định rằng Hiệp ước này chỉ phân chia “những đảo ở vùng Bắc Bộ”, chứ không phải là biên giới biển. Ngày 12 tháng 5 năm 1973, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hàn Niệm Long (Han Nian Long) đã tuyên bố điều nói trên. Như vậy, Trung Quốc tự mâu thuẫn.[68]

.

(Xem tiếp phần 4 …)

December 9, 2007 Posted by | Uncategorized | Leave a comment

Bai 16 : Hoang Sa – Truong Sa (Phan 2)

 

Chủ quyền trên hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa

.

 

Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc

.

 

TG : Từ Đặng Minh Thu (Tiến sĩ Luật, Đại học Sorbonne) [1]Chủ quyền được tiếp tục hành xử qua thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn (là thời đại kế vị chính quyền các Chúa Nguyễn).

 

Phần 2 :

 

1.2.3. Chính thức chiếm hữu và hành xử chủ quyền trong thế kỷ XIX

Chủ quyền được tiếp tục hành xử qua thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn (là thời đại kế vị chính quyền các Chúa Nguyễn).

Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn, Vua Gia Long, đã củng cố thêm quyền lịch sử của Việt Nam bằng cách chính thức chiếm hữu hai quần đảo. Năm 1816, Vua đã ra lệnh cho Đội Hoàng Sa và hải quân của triều đình ra thăm dò, đo thuỷ lộ, và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa để biểu tượng cho chủ quyền của Việt Nam. Đoạn sau đây của bộ Việt Nam thực lục chính biên chứng minh điều này:

“Năm Bính Tý, năm thứ 15 đời Vua Gia Long (1816)

Ra lệnh cho lực lượng hải quân và đội Hoàng Sa đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa để thanh tra và khám xét thuỷ trình.”

Sự chiếm hữu hai quần đảo theo lệnh của Vua Gia Long cũng được chứng nhận bởi các tài liệu của phương Tây.

Bài của M.A. Dubois de Jancigny viết như sau:

“… Từ hơn 34 năm, Quần đảo Paracel, mang tên là Cát Vàng hay Hoàng Sa, là một giải đảo quanh co của nhiều đảo chìm và nổi, quả là rất đáng sợ cho các nhà hàng hải, đã do những người Nam Kỳ chiếm giữ. Chúng tôi không biết rằng họ có xây dựng cơ sở của mình hay không, nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã quyết định giữ nơi này cho triều đại mình, vì rằng chính ông đã thấy được rằng tự mình phải đến đấy chiếm lấy và năm 1816 nhà vua đã trịnh trọng cắm ở đây lá cờ của Nam Kỳ”.[13]  

Một bài khác của Jean Baptiste Chaigneau cũng ghi nhận điều trên:

“Nam Kỳ, mà nhà vua hiện nay là hoàng đế bao gồm bản thân xứ Nam Kỳ, xứ Bắc Kỳ, một phần của Vương quốc Campuchia, một số đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel gồm những bá đá ngầm, đá nổi không có người ở. Chỉ đến năm 1816 hoàng đế hiện nay mới chiếm lĩnh những đảo ấy.[14]

Năm 1833, vua Minh Mệnh cho đặt bia đá trên quần đảo Hoàng Sa và xây chùa. Vua cũng ra lệnh trồng cây và cột trên đảo. Bộ Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 104, viết như sau:

“Tháng tám mùa thu năm Quý Tỵ, Minh Mệnh thứ 14 (1833)… Vua bảo Bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một mầu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường (mắc cạn) bị hại. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.[15] 

Năm sau, Vua Minh Mệnh ra lệnh cho Đội Hoàng Sa ra đảo lấy kích thước để vẽ bản đồ. Quyển Đại Nam thực lục chính biên (1834), quyển thứ 122 ghi nhận điều này:

“Năm Giáp Ngọ, thứ 15, đời Minh Mệnh:

… Vua truyền lệnh cho Đội trưởng Trương Phúc Sĩ và khoảng trên 20 thuỷ thủ ra quần đảo Hoàng Sa để vẽ bản đồ…”.[16]  

Đến năm 1835 thì lệnh xây miếu, dựng bia đá được hoàn tất và được ghi nhận trong quyển Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 154:

“Tháng sáu mùa hạ năm Ất Mùi, Minh Mệnh thứ 16 (1835)… Dựng đền thờ thần (ở đảo) Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ: “Vạn Lý Ba Bình” (1). Còn Bạch Sa chu vi 1.070 trượng, tên cũ là Phật Tự Sơn, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than Thạch. Năm ngoái vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, nhưng vì sóng gió không làm được. Đến đây mới sai cai đội thuỷ quân Phạm Văn Nguyên đem lính và Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách toà miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong, rồi về”.[17]  

Đoạn sau đây của cùng bộ sách, cho thấy vua nhà Nguyễn không những quan tâm đến việc khai thác đảo mà còn nhận thức được vị trí chiến lược của hai quần đảo, xem chúng như là lãnh thổ biên phòng của Việt Nam và tổ chức cả một chương trình dài hạn để củng cố biên cương đó – theo Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 165:

“Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836), mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1…

Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thể nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, xin phái thuỷ quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa, không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào; khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi, và nước biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình”.

“Vua y lời tâu, phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.[18] 

Sau đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ trên bản đồ của triều đình Vua Minh Mệnh. Những đoạn trên đây cho thấy chủ quyền lịch sử của Việt Nam đã tiếp tục được hành xử bởi các vua nhà Nguyễn. Đội Hoàng Sa và Bắc Hải được trao thêm nhiều nhiệm vụ: tuần tiễu, đi lấy kích thước đảo để vẽ bản đồ, thăm dò địa hải, vẽ thuỷ trình,… Những Đội này cũng có nhiệm vụ thu thuế những người tạm sống trên đảo[19].

Hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải hoạt động cho đến khi Pháp xâm lược Việt Nam. Ít nhất từ thế kỷ XVII (và có thể từ thế kỷ XV hoặc trước nữa), từ thời Chúa Nguyễn, trải qua các triều đại vua nhà Nguyễn, trong 3 thế kỷ, hai đội này đã có nhiều hoạt động khai thác, quản trị và biên phòng đối với hai quần đảo. Đây là những hoạt động của nhà nước, do nhà nước tổ chức. Những hoạt động này kéo dài suốt 300 năm không có một lời phản đối của Trung Hoa thời đó. Nhà Nguyễn cũng ý thức được trách nhiệm quốc tế của mình từ thời đó và cho trồng cây trên đảo để các thuyền bè khỏi bị đắm và mắc cạn. Rõ ràng đây là những sự hành xử chủ quyền của một quốc gia trên lãnh thổ của mình.

Như vậy, chủ quyền của Việt Nam được thụ đắc qua hai phương pháp phối hợp nhau: (1) quyền lịch sử bắt nguồn từ sự sử dụng và chiếm hữu lâu đời một lãnh thổ vô chủ dưới thời các Chúa Nguyễn, thế kỷ XVII và XVIII (consolidation par titre historique), và (2) chủ quyền bắt nguồn từ sự chính thức chiếm hữu và hành xử chủ quyền một cách liên tục dưới thời các vua nhà Nguyễn, thế kỷ XIX (prise de possession, occupation et effectivité).

Thực ra việc thụ đắc bằng phương pháp (1) cũng đã đủ để tạo chủ quyền cho Việt Nam, và như vậy, Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ thế kỷ XVII. Quyền này lại được củng cố thêm khi các vua nhà Nguyễn chính thức chiếm hữu đảo. Đội Hoàng Sa và Bắc Hải không hiện diện thường xuyên trên đảo vì điều kiện sinh sống ở các đảo không cho phép. Tuy nhiên, lệ án quốc tế đã mềm dẻo đối với những nơi này luật không bắt buộc phải có một sự hiện diện thường xuyên của quốc gia chiếm hữu. Trong vụ án Clipperton, Pháp chỉ cho tàu chiến thanh tra đảo, mà không đặt một cơ quan công quyền nào hiện diện thường xuyên tại đảo. Trọng tài Quốc tế đã cho rằng như vậy cũng đủ để hành xử chủ quyền, vì điều kiện ở đảo không cho phép sống thường xuyên trên đó.[20]

Trong trường hợp Việt Nam, mặc dù không ở lại đảo thường xuyên, hai Đội Hoàng Sa và Bắc Hải cũng sống ở đó 8 tháng mỗi năm đến khi gió nồm bắt đầu thổi, tức là mùa bão biển tới, họ mới trở về đất liền 4 tháng, và đến tháng giêng lại trở ra các đảo đóng ỏ đó 8 tháng và hàng năm đều như vậy. Với hoàn cảnh thời đó, thuyền của các quốc gia khác, kể cả thuyển của Trung Hoa đều sợ không dám đến đảo, trong khi Việt Nam cho quân đến đóng ở các đảo 8 tháng mỗi năm. Như vậy, đã vượt tiêu chuẩn ấn định bởi vụ án Clipperton, và quá đủ để xem như Việt Nam đã chiếm hữu hai quần đảo từ thời các Chúa Nguyễn (thế kỷ XVII).

 

1.2.4. Trung Quốc nói rằng những đảo trong bản đồ của Việt Nam (Đại Nam nhất thống toàn đồ), không phải là Xisha (đảo Cồn cát Tây) và Nansha (đảo Cồn cát Nam) của Trung Quốc vì bản đồ cho thấy những đảo gần bờ biển quá.[21]

 

 

 

Phải nói rằng kỹ thuật đo lường, kỹ thuật vẽ bản đồ, ý niệm về khoảng cách và thời gian ngày xưa không phải như ngày nay. Chính những tác giả Trung Quốc đã khẳng định điều đó.[22]

Vấn đề xác định những đảo tranh chấp không phải là mới mẻ, vì nó đã được đặt ra trong nhiều bản án.[23] Vấn đề này cũng được đặt ra đối với lập luận của Trung Quốc ở mục 1.3. của bài này. Dù sao, trong trường hợp Việt Nam, chỉ cần nhìn bản đồ cũng thấy rằng không có sự nhầm lẫn giữa Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo ở ven biển, khi bản đồ được vẽ, vì những đảo ven bở biển như đảo Ré cũng đều được vẽ trên bản đồ, những đảo này đã được vẽ sát dọc theo bờ biển. Mà trên thực tế, giữa những đảo ven bờ biển và Hoàng Sa, Trường Sa, không có đảo hoặc quần đảo nào khác. Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng những quần đảo mà bản đồ Việt Nam ghi là Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa chính là Hoàng Sa và Trường Sa. Phương pháp suy diễn này đã được áp dụng trong bản án Palmas. Người vẽ bản đồ chỉ không có ý niệm xác thực về khoảng cách không gian và tỷ lệ phải áp dụng khi chuyển nó lên mặt giấy để vẽ bản đồ, nên vẽ khoảng cách ngắn hơn thực tế.

Ngay cả khoảng cách giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa cũng bị rút ngắn lại, khiến cho thoạt nhìn, người ta có thể tưởng rằng đây chỉ là một quần đảo. Tuy nhiên, nhiều điều rút từ những ghi chép trong sách sử Việt Nam, và từ những bản đồ thời đó, đã chứng minh đó không phải chỉ là một quần đảo Hoàng Sa:

(1) Trên bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ có ghi tên hai đảo rõ rệt vẽ bằng chữ nho: Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa.

(2) Các sách sử địa của Việt Nam có nói đến 130 đảo. Con số này không phù hợp với số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, hoặc quần đảo Trường Sa tính riêng. Nhưng nếu cộng số đảo của hai quần đảo lại thì con số vừa đúng là 130.[24]

 

 

 

 

.

.

.

Bản đồ 4: Hoàng Sa

.

.

 

 

 

Bản đồ 6 : Atlas of the world

 

 

.

Bản đồ 7 : Trường Sa

 

 

 

(3) Nếu so sánh bản Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ 1), bản đồ phóng đại của quần đảo này trích từ Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ 2), bản đồ The Times Atlas of the World (ghi tắt là Atlas, Bản đồ 3 và 6), bản đồ phóng to hiện thời của dãy Hoàng Sa (Bản đồ 4), và bản đồ của dãy Trường Sa (Bản đồ 7), thì sẽ thấy như sau:

Hình dạng của dãy quần đảo trên Bản đồ 1 không phù hợp với hình dạng của quần đảo Hoàng Sa nói riêng. Hình dạng của quần đảo của Hoàng Sa là theo hình vòng tròn, nó gồm hai cụm đảo chính là cụm Crescent hình dạng đúng như cái tên của nó, tức là các đảo nằm cụm vào nhau theo hình lưỡi liềm. Phía sau cụm Crescent (Lưỡi Liềm) là cụm Amphitrite (An Vĩnh), xếp theo hình vòng cung. Ngoài ra có vài đảo rải rác quanh đó, nằm theo hình vòng tròn vây quanh hai cụm đảo chính, chứ không phải hình dài (xem Bản đồ 3 và 4).

Trong khi đó, nếu nhìn vào Bản đồ 2, ta sẽ thấy một quần đảo theo hình chuỗi trải dài xuống và bị thóp lại ở giữa, hoàn toàn không phải là hình cụm như quần đảo Hoàng Sa. Phần trên của chuỗi này, được xếp theo cụm giống như Hoàng Sa (xem đoạn từ A tới B trên bản đồ, do tác giả kẻ cho dễ thấy). Nhưng nửa dưới của chuỗi đảo mang một hình dạng xuôi dài xuống (đoạn kẻ từ B tới C), không giống một phần nào của quần đảo Hoàng Sa như ta thấy trên Bản đồ 3 hoặc Bản đồ 4. Phần này chắc chắn không phải là Hoàng Sa. Theo Bản đồ 6 thì giữa quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa không có một quần đảo nào khác cả, mà quần đảo hình chuỗi dài xuống thì lại càng không có. Như vậy phần dưới của chuỗi đảo được vẽ trên Bản đồ 2 không thể là quần đảo nào khác hơn là Trường Sa.

Mỗi phần lại có một tên riêng viết bằng chữ nho: “Hoàng Sa” và “Vạn Lý Trường Sa”. Điều này chứng minh Đại Nam nhất thống toàn đồ phân biệt rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

· Bản Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ 1) cho thấy chuỗi đảo kéo dài suốt từ Quảng Nam đến tận Cam Ranh, đảo thấp nhất trên bản đồ nằm ngoài khơi Cam Ranh và Khánh Hoà. Trong khi đó quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ Atlas nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Nam, đảo thấp nhất của nó theo hướng tây nam là đảo Triton (đảo Tri Tôn) nằm song song với tỉnh Quảng Nam.

Trên Bản đồ 2, đảo thấp nhất phía tây của cụm đảo A-B nằm ngang với cửa Đại Cát (trong sách của Đỗ Bá gọi là Đại Chiêm), mà Đại Cát vị trí ngang với Quảng Nam. Như vậy, đảo nói trên là đảo Triton (gạch chữ X trên Bản đồ 2, do tác giả ghi).

Và như thế thì làm sao cắt nghĩa được đoạn dưới của chuỗi đảo trên Đại Nam nhất thống toàn đồ, là đoạn bắt đầu từ Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi trên bản đồ Atlas) đến vịnh Cam Ranh?

Đảo Hoàng Sa không kéo dài xuống tới Khánh Hoà hoặc vịnh Cam Ranh. Nếu nhìn vảo bản đồ Atlas, ta sẽ thấy song song với tỉnh Phan Rang, gần vịnh Cam Ranh (xem Bản đồ 6), là đảo Thitu (đảo Thị Tứ) của dãy Trường Sa: Northeast Cay (đảo Song Tử Đông), Southeast Cay (đảo Song Tử Tây), South Reef (đá Nam), và West York Island (đảo Dừa), đều nằm ngoài khơi, ngang với khoảng cách từ Khánh Hoà tới Cam Ranh (xem Bản đồ 7).

Nhìn vào bản đồ của Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ 1), có thể có 4 giả thuyết:

a) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải không biết đến Trường Sa và các tác giả chỉ vẽ Hoàng Sa mà thôi.

b) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã hoạt động ở cả quần đảo Hoàng Sa và toàn thể quần đảo Trường Sa, và tác giả của bản đồ muốn vẽ cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng vì kỹ thuật kém, nên toàn khối Trường Sa gần với Hoàng Sa hơn ngoài thực tế.

c) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải chỉ hoạt động và thám thính các đảo phía bắc của dãy Trường Sa, tức Northeast Cay, Southeast Cay, South Reef và Thitu; và người vẽ bản đồ, vì kỹ thuật kém nên vẽ các đảo đó gần với quần đảo Hoàng Sa.

d) Đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã hoạt động ở những đảo nói trên của quần đảo Trường Sa và cả dãy đảo phía dưới các đảo này tức Xubi Reef (đá Subi), Loaita Island (đảo Loai Ta), Itu Aba Island (đảo Ba Bình), Great Discovery Reef (đá Lớn), Spratly Island (đảo Trường Sa), … nhưng vì kỹ thuật kém, nên vẽ dãy đảo này gần với quần đảo Hoàng Sa.

Dựa vào những dữ kiện vừa nêu, thì giả thuyết thứ nhất (a) đáng loại bỏ trước tiên, vì số đảo, hình dạng của quần đảo Hoàng Sa, địa điểm của nó so với những tỉnh trong đất liền, tất cả những chi tiết này như được vẽ trên Bản đồ 1 và 2 không ăn khớp với thực tế trên Bản đồ 3 và 4.

Chúng ta cũng không nghĩ rằng tác giả bản Đại Nam nhất thống toàn đồ có thể vì kỹ thuật kém nên kéo dài Hoàng Sa xuống tận Cam Ranh. Vì Đại Nam thư lục chính biên, quyển 165, có nói rõ một trong những mục đích của những chuyến công tác của Đội Hoàng Sa và Bắc Hải là gạch lộ trình để ra mỗi đảo, và ấn định rõ vị trí của mỗi đảo so với mỗi tỉnh ngang với nó trong đất liền. “Phải ấn định rõ cửa khẩu nào đưa ra mỗi đảo. Mỗi lộ trình phải được ước lượng bằng “dặm”.[25]

Như vậy, tác giả của bản đồ này không thể nào nhầm lẫn mà ấn định đảo cuối của dãy Hoàng Sa nằm ngang với Cam Ranh.

Giả thuyết thứ ba (c) không giải thích được hình dạng của chuỗi đảo trên bản đồ 1.

Giả thuyết thứ hai (b) và thứ tư (d) có lẽ sát sự thực vì nó giải thích được hình dạng của chuỗi đảo trên Bản đồ 1, vị trí của đảo ngang với vùng Khánh Hoà, Cam Ranh. Hình chuỗi nằm xuôi dài xuống của các đảo ở đoạn CD, khiến chúng ta nghiêng về giả thuyết thứ tư (d) hơn.

Tuy nhiên, giả thuyết thứ ba (c) cũng có thể áp dụng được nếu cho rằng Đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã biết toàn thể hoặc đa số các đảo trên dãy Trường Sa, nhưng khi đưa lên bản đồ chỉ vẽ được một số đảo ở phía Tây mà thôi. Như vậy, sẽ ăn khớp với số đảo là 130 đã được ghi trong những sách sử nói trên. Vả lại, Đại Nam thực lục chính biên cũng có nói trong tờ trình của Bộ Công, là quần đảo rất rộng nên chỉ vẽ được một số đảo giới hạn. Tờ trình cũng công nhận là bản đồ vẽ không được chính xác.

“Quần đảo Hoàng Sa, biên giới biển của nước ta, là một địa điểm chiến lược rất quan trọng… Những đoàn công tác đã được phái đi để lấy kích thước vẽ bản đồ, nhưng vì quần đảo quá rộng, nên chỉ mới vẽ được một đảo trên bản đồ, mà cũng không được chính xác và chi tiết như mong muốn…”. Vì vậy, tờ trình của Bộ Công đã đề nghị Vua cho công tác ra các đảo mỗi năm: “Ta nên gửi đoàn công tác ra mỗi năm để thám sát toàn diện quần đảo…”.[26] 

Bản đồ vẽ quần đảo Trường Sa gần với quần đảo Hoàng Sa hơn trong thực tế chỉ vì kỹ thuật thời đó còn kém, không biết tỷ lệ đưa lên giấy. Bản đồ của Trung Hoa và của phương Tây thời đó cũng mang khuyết điểm này.

Hơn nữa, vị trí của hai quần đảo nằm trên cùng một kinh tuyến 111°;[27] quần đảo Trường Sa nằm hơi nhích sang phía đông nam, nên trên thực tế cũng không xa nhau lắm, và vì thời đó người ta không có được ý niệm chính xác về kích thước và tỷ lệ phải tuân theo khi vẽ bản đồ, thì có khuynh hướng vẽ hai quần đảo gần nhau hơn thực tế, cũng dễ hiểu. Dù sao, giả thuyết thứ hai (b), thứ ba (c) hoặc thứ tư (d) cũng đều chứng minh được Việt Nam ít ra cũng có hành xử chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

Những bản đồ của phương Tây thời xưa cũng không phân biệt được quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nên đã vẽ cả hai thành một khối gọi là Hoàng Sa. Thí dụ, bản đồ của anh em Van Langren, 1595, bản đồ Les établissement et point de penetration européen en Extrême Orient au 18è siècle (Bản đồ 8 và 9).

 

 

 

 

 

 

 

Bản đồ 8 

 

Bản đồ 9

 

 

 

Bản đồ 10 : Đại Việt đời Hồng Đức (Bản vẽ lại cho dễ đọc các địa danh)

 

 

 

 

Bản đồ 11 : Đại Việt Quốc Tổng Lãm Đồ (Lê Trung Hưng)

 

Trước thời Minh Mạng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được xem như một quần đảo, nên gọi hai quần đảo là Hoàng Sa, có khi gọi là Vạn Lý Trường Sa. Nhưng sau khi các đoàn công tác được Vua Minh Mạng ra lệnh lấy kích thước và thám sát cả hai quần đảo, thì bản đồ được vẽ sau đó (tức bản Đại Nam nhất thống toàn đồ), mới ghi rõ ràng hai tên khác nhau cho hai quần đảo. Nếu trên Bản đồ 2, chúng ta lấy bút khoanh cụm đảo ở đoạn A-B lại, và cũng khoanh chuỗi đảo ở đoạn B-C lại, thì ta sẽ thấy hai quần đảo riêng rẽ, với hai cái tên riêng rẽ (xem Bản đồ 5).

Do đó, ta có thể kết luận rằng Việt Nam đã hành xử chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy mới có sự hiện diện của Đội Bắc Hải được cử đi khai thác và quản lý những đảo Trường Sa, Côn Lôn, vùng Hà Tiên,… (thể theo quyển Phủ Biên tạp lục, quyển 2).

 Người ta có thể thắc mắc tại sao Đội Bắc Hải đảm trách Trường Sa, Côn Lôn, Hà Tiên, là những vùng phía Nam, mà lại gọi là Bắc Hải. Sử gia Võ Long Tê có giải thích rằng Bắc Hải theo nghĩa chữ nho cũng có thể là “xa xôi”. Như vậy “Bắc Hải” có thể hiểu là vùng biển xa xăm.[28] Nghĩa thứ hai mà ta có thể giải thích là Đội Bắc Hải kiêm trách cả vùng biển miền Bắc lẫn những đảo ở phía Nam. Vì quyển Phủ Biên tạp lục có ghi rằng Đội Bắc Hải hoạt động ở “… vùng Biển Bắc, những đảo Côn Lôn, Cù Lao, vùng Hà Tiên và Cồn Tự…”.[29] Nếu theo giả thuyết trên thì ta phải hiểu là hai Đội Hoàng Sa và Bắc Hải bổ túc cho nhau chứ không có sự phân chia vùng hoạt động giữa hai Đội.

 Theo như ghi chép trong Phủ Biên tạp lục thì sự phân chia giữa hai Đội là ở sản vật được khai thác: Đội Bắc Hải gần như chỉ thu thập các hải sản, còn Đội Hoàng Sa thu thập cả các hoá vật, vàng, bạc,… do tàu đắm để lại.

Thêm một nhận xét nữa là: Trường Sa nằm ở gần đảo Côn Lôn nên không lẽ thời đó, Đội Bắc Hải hoặc dân đánh cá Việt Nam từ trước nữa đã khám phá và khai thác đảo Côn Lôn mà lại không hề biết đến đảo Trường Sa. Nhất là tàu thuyền của Việt Nam thời đó là một lực lượng hùng mạnh khiến nhiều nhà thám hiểm phương Tây phải xác nhận điều đó. Thí dụ, ông Gentil de la Barbinais đã viết trong quyển Nouveau voyage autour du monde (xuất bản vào năm 1738) như sau:

“Quoique jusqu’ici les Cochinchinois, aient attaqué ou se soient défendus par terre, les emplois de I’armée navale sont plus recherchés, comme étant les plus honorifiques. Le Roi de Cochinchine entretient 150 galères. À la dernière revue des galères, qui se fit en 1678, il y avait 131 galères…[30]

(Có thể dịch là: “Mặc dù dân Việt Nam đến bây giờ vẫn tấn công hoặc phòng thủ trên đất liền, việc sử dụng lực lượng hải quân của họ tinh vi hơn, và có thể nói là xuất sắc nhất. Vua Việt Nam có 150 chiến thuyền. Nhân cuộc biểu trương chiến thuyền gần nhất, được tổ chức vào năm 1678, có tới 131 chiến thuyền…”).

 

(Xem tiếp phần 3) …

December 9, 2007 Posted by | Uncategorized | Leave a comment

Bai 16 : Hoang Sa – Truong Sa (Phan 1)

Chủ quyền trên hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa

.

Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc

.

TG : Từ Đặng Minh Thu (Tiến sĩ Luật, Đại học Sorbonne) [1]

.

Phần 1:

.

Nhắc đến Biển Đông, không ai không nghĩ đến hai cái tên rất đẹp Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếc thay hai cái tên đó lại gắn liền với những gì đi ngược với thiện, mỹ, hoà, vì hai quần đảo xa xôi này đã và đang là đối tượng của một cuộc tranh chấp sôi nổi giữa các quốc gia và lãnh thổ trong vùng. Cuộc tranh chấp đã kéo dài gần một thế kỷ nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được, và ngày càng trầm trọng hơn, đang là mối đe doạ cho hoà bình ở vùng Đông Nam Á.

Khi thì bùng nổ, khi thì lắng dịu, cuộc tranh chấp này mang mọi hình thức đấu tranh, từ đấu tranh chính trị, ngoại giao đến đấu tranh vũ lực. Các quốc gia tranh chấp cũng thay đổi tuỳ theo thời cuộc. Lúc đầu chỉ có Pháp và Trung Quốc, tiếp sau đó, Nhật Bản và Philippin cũng nhảy vào đòi quyền lợi. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản bại trận rút lui khỏi cuộc tranh chấp, Pháp rời Đông Dương, Trung Quốc thay đổi chính quyền, thì các quốc gia và vùng lãnh thổ tranh chấp gồm Việt Nam Cộng hoà, Trung Quốc, Đài Loan và Philippin. Sau khi Việt Nam thống nhất thì cuộc tranh chấp tiếp diễn giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ba quốc gia và vùng lãnh thổ kia. Ngày nay, từ khi “Luật Biển mới” ra đời, tầm quan trọng của 2 quần đảo tăng thêm, thì số quốc gia tranh chấp cũng tăng theo. Malaixia và Brunây cũng đòi quyền lợi trên quần đảo Trường Sa. Với Công ước Luật Biển mới, quốc gia nào nắm những quần đảo này không những được hưởng lãnh hải quanh đảo mà cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa quanh quần đảo. Tuy nhiên, vấn đề phân chia lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia chưa thực hiện được khi chưa biết hai quần đảo này thuộc về ai. Vì vậy, vấn đề xác định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa càng quan trọng.

Bài viết này sẽ phân tích một số lý lẽ chính mà Việt Nam và Trung Quốc đưa ra để khẳng định chủ quyền của mình, vì đây là hai quốc gia chính trong cuộc tranh chấp.

I. DIỄN BIẾN CUỘC TRANH CHẤP

Diễn biến cuộc tranh chấp sẽ được trình bày vắn tắt theo thứ tự thời gian, qua ba giai đoạn: trước thời Pháp thuộc, trong thời Pháp thuộc, và sau thời Pháp thuộc.

1. Trước thời Pháp thuộc

· Những người đánh cá Trung Quốc và Việt Nam sống trên các đảo tuỳ theo mùa nhưng từ bao giờ thì không thể xác định được.

· Đầu thế kỷ XVII: Chúa Nguyễn tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng SaĐội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo, và những hoá vật do lấy được từ những tàu đắm.

· Năm 1753: Có 10 người lính của Đội Bắc Hải đến quần đảo Trường Sa: 8 người xuống đảo, còn 2 người thì ở lại canh thuyền. Thình lình cơn bão tới và thuyền bị trôi dạt đến cảng Thanh Lan của Trung Quốc. Chính quyền Trung Hoa cho điều tra, và khi biết các sự kiện, đã cho đưa 2 người lính Việt Nam về.[2]

· Năm 1816: Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình.

· Năm 1835: Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo, và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp nhảy vào Đông Dương.

2. Thời Pháp thuộc

· Năm 1884: Hiệp ước Huế áp đặt chế độ thuộc địa.

· 9-6-1885: Hiệp ước Pháp – Thanh Thiên Tân là một hiệp ước hữu nghị, chấm dứt xung đột giữa Pháp và Trung Hoa.

· 26-6-1887: Hiệp ước Pháp – Thanh ấn định biên giới giữa Bắc Việt Nam và Trung Hoa.

· 1895 – 1896: Vụ La Bellona và Imeji Maru.

Có hai chiếc tàu La Bellona và Imeji Maru bị đắm gần Hoàng Sa, một chiếc bị đắm năm 1895, và chiếc kia bị đắm năm 1896. Những người đánh cá ở Hải Nam bèn thu lượm đồng từ hai chiếc tàu bị đắm. Các công ty bảo hiểm của hai chiếc tàu này phản đối chính quyền Trung Hoa. Chính quyền Trung Hoa trả lời là Trung Hoa không chịu trách nhiệm, vì Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Hoa, và cũng không phải của An Nam.[3]

· Năm 1899: Toàn quyền Paul Doumer đề nghị chính phủ Pháp xây ngọn hải đăng nhưng không thành vì tài chính bị thiếu.

· Năm 1909: Tổng đốc Lưỡng Quảng ra lệnh thám thính quần đảo Hoàng Sa.

· Năm 1920: Mitsui Busan Kaisha xin phép Pháp khai thác quần đảo Hoàng Sa. Pháp từ chối.

· Bắt đầu năm 1920: Pháp kiểm soát quan thuế và tuần tiễu trên đảo.

· 30-3-1921: Tổng đốc Lưỡng Quảng sáp nhập Hoàng Sa với Hải Nam. Pháp không phản đối.

· Bắt đầu từ năm 1925: Tiến hành những thí nghiệm khoa học trên đảo do Dr. Krempt, Giám đốc Viện Hải dương học Nha Trang tổ chức.

· 8-3-1921: Toàn quyền Đông Dương tuyên bố hai quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp.

· Năm 1927: Tàu De Lanessan viếng thăm quần đảo Trường Sa.

· Năm 1930: Ba tàu Pháp: La Malicieuse, L’Alerte và L’Astrobale chiếm quần đảo Trường Sa và cắm cờ Pháp trên quần đảo này.

· Năm 1931: Trung Hoa ra lệnh khai thác phân chim tại quần đảo Hoàng Sa, ban quyền khai thác cho Công ty Anglo-Chinese Development. Pháp phản đối.

· Năm 1932: Pháp chính thức tuyên bố An Nam có chủ quyền lịch sử trên quần đảo Hoàng Sa. Pháp sáp nhập quần đảo Hoàng Sa với tỉnh Thừa Thiên.

· Năm 1933: Quần đảo Trường Sa được sáp nhập với tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng đề nghị với Trung Hoa đưa vấn đề ra Toà án Quốc tế nhưng Trung Hoa từ chối.

· Năm 1938: Pháp cho đặt bia đá, xây hải đăng, đài khí tượng và đưa đội biên phòng người Việt ra để bảo vệ đả
o Pattle (đảo Hoàng Sa) của quần đảo Hoàng Sa.

· Năm 1946: Nhật bại trận phải rút lui. Pháp trở lại Pattle (An Vĩnh) nhưng vì chiến cuộc ở Việt Nam nên phải rút.

· Năm 1947: Quân của Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Woody (đảo Phú Lâm) của quần đảo Hoàng Sa. Pháp phản đối và gửi quân Pháp – Việt trở lại đảo. Hai bên đàm phán tại Paris. Pháp đề nghị đưa ra Trọng tài quốc tế nhưng Trung Hoa từ chối.

· Năm 1950: Quân của Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Woody.

· Năm 1951: Tại Hội nghị San Francisco, Nhật tuyên bố từ bỏ tất cả các đảo, Đại diện chính phủ Bảo Đại là Thủ tướng Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo mà không có nước nào lên tiếng phản đối.

3. Sau thời Pháp thuộc

· Năm 1956: Quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương. Đội canh của Pháp trên đảo Pattle được thay thế bởi đội canh của Việt Nam.

Trung Quốc cho quân chiếm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, tức nhóm Amphitrite (Nhóm Đông). Trong khi phía Tây, nhóm Crescent (Lưỡi Liềm), vẫn do quân Việt Nam đóng trên đảo Pattle nắm giữ.

· 1-6-1956: Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hoà Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo.

· 22-8-1956: Một đơn vị hải quân của Việt Nam Cộng hoà cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia đá.

· Năm 1961: Việt Nam Cộng hoà sáp nhập quần đảo Hoàng Sa với tỉnh Quảng Nam.

· Năm 1973: Quần đảo Trường Sa được sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy.

· Năm 1974: Trung Quốc oanh tạc quần đảo Hoàng Sa và chiếm các đảo do quân Việt Nam Cộng hoà đóng.

· Năm 1975: Quân đội Nhân dân Việt Nam thay thế quân đội của Việt Nam Cộng hoà tại quần đảo Trường Sa.

· Năm 1977: Việt Nam tuyên bố lãnh hải, kể cả lãnh hải của các đảo.

· Trong thời gian này, nhiều quốc gia khác cũng đã chiếm một số đảo của quần đảo Trường Sa.

· Năm 1988: Lần đầu tiên Trung Quốc gửi quân tới quần đảo Trường Sa. Quân của Trung Quốc đụng độ với Hải quân Việt Nam. Trên 70 người lính Việt Nam bị mất tích. Trung Quốc đã chặn không cho tàu mang cờ Chữ Thập Đỏ ra cứu quân Việt Nam.

· Năm 1989: Trung Quốc chiếm thêm một đảo.

· Năm 1990: Trung Quốc đề nghị khai thác chung quần đảo Trường Sa.

· Năm 1992: Trung Quốc chiếm thêm một số đảo nữa.

· Năm 1994: Đụng độ giữa Việt Nam và một chiếc tàu Trung Quốc nghiên cứu cho Công ty Crestone.

Hiện nay Trung Quốc kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Còn quần đảo Trường Sa thì do sáu quốc gia và lãnh thổ chiếm giữ là: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippin, Malaixia và Brunây.

II. PHÂN TÍCH LẬP LUẬN CỦA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC

Lý lẽ mà cả Việt Nam và Trung Quốc đưa ra là chủ quyền lịch sử, cả hai quốc gia đều khẳng định mình có chủ quyền từ lâu đời được củng cố và chứng minh bằng lịch sử. Ngoài ra, Trung Quốc ngày xưa, cũng như Đài Loan ngày nay, và nhiều tác giả thường viện dẫn Hiệp uớc Pháp – Thanh 1887 để khẳng định hai quần đảo thuộc về Trung Quốc. Vì Trung Quốc và Đài Loan đã đồng ý nói chung một tiếng nói trong vụ tranh chấp này, do đó, đây cũng có thể là một lý lẽ của Trung Quốc. Thời kỳ gần đây, từ khi tranh chấp với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trung Quốc đã viện dẫn thêm một lý lẽ, là những lời tuyên bố trước đây của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phần này sẽ phân tích ba lý lẽ nói trên.

1. Chủ quyền lịch sử

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều nại rằng mình đã khám phá, chiếm hữu và hành xử chủ quyền lâu đời. Chúng ta thử phân tích lý lẽ chủ quyền lịch sử của mỗi bên có đạt đủ tiêu chuẩn của luật quốc tế hay không. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu luật quốc tế chi phối sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ như thế nào.

1.1. Sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ theo luật quốc tế.

Một sự chiếm hữu lãnh thổ, muốn hợp pháp, phải hội đủ ba điều kiện:

Một là, điều kiện liên quan đến đối tượng của sự chiếm hữu: lãnh thổ được chiếm hữu phải là đất vô chủ (res nullius), hoặc là đã bị chủ từ bỏ (res derelicta).

Hai là, tác giả của sự chiếm hữu phải là một quốc gia. Chiếm hữu phải được thực hiện bởi chính quyền của quốc gia muốn chiếm hữu hoặc bởi đại diện của chính quyền chiếm hữu nhân danh quốc gia mình. Tư nhân không có quyền chiếm hữu.

Ba là, phương pháp chiếm hữu:

Phương pháp chiếm hữu đã trải qua nhiều thay đổi theo thời gian. Trước năm 1884, quyền chiếm hữu do Đức Giáo Hoàng ban cho. Từ thế kỷ VIII đến XV, Đức Giáo Hoàng chia đất giữa hai quốc gia là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đến thế kỷ XVI, khi nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu tham gia vào công cuộc đi tìm đất mới, thì phương cách chia đất bởi Đức Giáo Hoàng bị chỉ trích, và người ta đặt ra một phương thức mới cho sự chiếm hữu lãnh thổ, đó là quyền khám phá. Quốc gia nào khám phá ra mảnh đất đó trước thì được chủ quyền trên đất đó. Khám phá đây có nghĩa là chỉ nhìn thấy đất thôi, không cần đặt chân lên đất đó, cũng đủ để tạo chủ quyền.

Sau này, điều kiện đó được xem như không đủ, nên người ta đưa thêm một điều kiện nữa, là sự chiếm hữu tượng trưng. Quốc gia chiếm hữu phải lưu lại trên lãnh thổ một vật gì tượng trưng cho ý chí muốn chiếm hữu của mình: cờ, bia đá, đóng cọc, hoặc bất cứ một vật gì tượng trưng cho chủ quyền của quốc gia chiếm hữu.

Đến thế kỷ XVIII, người ta thấy chiếm hữu tượng trưng cũng không đủ để chứng tỏ chủ quyền của một quốc gia. Vì vậy, đến năm 1885, Định ước Berlin nhằm giải quyết vấn đề chia đất ở châu Phi, ấn định một tiêu chuẩn mới sát thực hơn cho sự chiếm hữu lãnh thổ. Đó là sự chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền trên lãnh thổ được chiếm hữu. Ngoài ra, Định ước Berlin cũng ấn định rằng quốc gia chiếm hữu phải thông báo sự chiếm hữu của mình cho các quốc gia khác biết. Nguyên tắc chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền sau này đã trở thành tập quán quốc tế và được làm cơ sở cho sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ trong luật quốc tế hiện đại. Tuy nhiên, yếu tố thông báo không phải là một tập quán quốc tế, nó chỉ áp dụng riêng cho trường hợp chiếm hữu đặt trong phạm vi của Định ước Berlin mà thôi.

Ngày nay theo luật quốc tế, sự chiếm hữu lãnh thổ phải bao gồm cả hai yếu tố vật chất và tinh thần.

Yếu tố vật chất được thể hiện qua việc chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền trên lãnh thổ đó. Điều này có nghĩa là quốc gia chiếm hữu phải có sự hiện diện thường trực trên lãnh thổ được chiếm hữu, và phải có những hoạt động hoặc những hành vi có tính quốc gia đối với lãnh thổ đó. Sự hành xử chủ quyền phải có tính liên tục.

Còn yếu tố tinh thần có nghĩa là quốc gia phải có ý định thực sự chiếm hữu mảnh đất đó. Phải hội đủ hai yếu tố vật chất và tinh thần trên thì sự chiếm hữu mới có hiệu lực.

sự từ bỏ lãnh thổ cũng phải hội đủ cả hai yếu tố: vật chất, tức là không hành xử chủ quyền trong một thời gian dài, và tinh thần, tức là có ý muốn từ bỏ mảnh đất đó. Phải hội đủ cả hai yếu tố: từ bỏ vật chất và từ bỏ tinh thần thì lãnh thổ đó mới được xem như bị từ bỏ, và trở lại quy chế vô chủ.[4]

Ngoài phương pháp chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền (occupationeffectivité), một quốc gia cũng có thể thụ đắc chủ quyền qua những phương pháp khác như chuyển nhượng (cession), thời hiệu (prescription), củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử (consolidation par titre historique),… Phương pháp “củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử” được áp dụng nếu quốc gia đã sử dụng lâu đời một lãnh thổ khác mà không có phản đối của một quốc gia nào khác.[5]

Những tiêu chuẩn trên đã được áp dụng thường xuyên bởi án lệ quốc tế, trong những bản án về tranh chấp đảo Palmas, đảo Groenland, đảo Minquier và Ecrehous…

1.2. Chủ quyền lịch sử của Việt Nam

Phải nói rằng, vì hoàn cảnh chiến tranh, nên tài liệu lịch sử của Việt Nam đã bị tàn phá hoặc thất lạc rất nhiều. Việt Nam đã đưa ra những tài liệu lịch sử và địa lý đủ để chứng minh rằng mình đã khám phá ra hai quần đảo này từ lâu, đã chiếm hữu tượng trưng cũng như thực sự và hành xử chủ quyền trên hai quần đảo qua nhiều đời vua và trải qua ít nhất là ba thế kỷ.

1.2.1. Khám phá ít nhất là từ thế kỷ XV, và hành xử chủ quyền trong thế kỷ XVII

Dân đánh cá Việt Nam đã sống trên những đảo này và khai thác đảo từ lâu đời. Tài liệu sớm nhất mà Việt Nam còn có được là quyển “Tuyển tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư” của Đỗ Bá, viết vào thế kỷ XVII. Danh từ “Tuyển tập” cho ta thấy tài liệu này được thu nhập từ nhiều tài liệu trước nữa. Trong quyển này, Đỗ Bá đã tả những quần đảo này rất chính xác, và xác nhận rằng Chúa Nguyễn đã lập Đội Hoàng Sa để khai thác quần đảo từ thế kỷ XVII. Đoạn trích do sử gia kiêm nhà Hán học Võ Long Tê dịch như sau:

“Tại làng Kim Hộ, ở hai bên bờ sông có hai ngọn núi, mỗi ngọn có mỏ vàng do nhà nước cai quản. Ngoài khơi, một quần đảo với những cồn cát dài, gọi là “Bãi Cát Vàng”, dài khoảng 400 lý, và rộng 20 lý nhô lên từ dưới đáy biển, đối diện với bờ biển từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Vào mùa gió nồm Tây Nam, những thương thuyền từ nhiều quốc gia đi gần bờ biển thường bị đắm dạt vào những đảo này; đến mùa gió Đông Bắc, những thuyền đi ngoài khơi cũng bị đắm như thế. Tất cả những người bị đắm trôi dạt vào đảo, đều bị chết đói. Nhiều hàng hoá tích luỹ trên đảo.

Mỗi năm, vào tháng cuối của mùa đông, Chúa Nguyễn đều cho một hạm đội gồm 18 thuyền đi ra đảo để thu thập những hoá vật, đem về được một số lớn vàng, bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm, ra tới đảo mất một ngày rưỡi, nếu đi từ Sa Kỳ thì chỉ mất nửa ngày.”[6]

Theo sử gia Võ Long Tê, mặc dù quyển sách của Đỗ Bá được viết vào thế kỷ XVII (vào năm 1686), đoạn thứ nhất của hai đoạn trên được trích từ phần thứ ba của quyển Hồng Đức Bản Đồ – Hồng Đức là tên hiệu của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497).[7]

Như vậy, Việt Nam đã khám phá hoặc biết tới những đảo này ít ra cũng từ thế kỷ XV. Danh từ Bãi Cát Vàng chứng tỏ rằng những đảo này đã được những người Việt Nam ít học nhưng hiểu biết nhiều về biển khám phá và khai thác, từ lâu trước khi chính quyền Chúa Nguyễn tổ chức khai thác đảo. Dân Việt Nam đã sinh sống ở đó từ nhiều thế kỷ, và chính quyền nhà Nguyễn từ thế kỷ XVII đã biết tổ chức khai thác đảo có hệ thống.

Những yếu tố này, nhất là sự khai thác của nhà nước từ thế kỷ XVII qua rất nhiều năm, đã tạo nên từ thời đó một chủ quyền lịch sử cho Việt Nam trên những đảo này.

1.2.2. Hành xử chủ quyền trong thế kỷ XVIII: Quyển Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn

Lê Quý Đôn là quan dưới thời nhà Lê, phụ trách vùng Thuận Hoá, Quảng Nam. Ông đã viết Phủ biên tạp lục vào năm 1776, tại Quảng Nam, nên đã sử dụng được rất nhiều tài liệu của chính quyền các Chúa Nguyễn để lại.[8] Đoạn sau đây nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

“… Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu ra biển bốn canh thì đến; phía ngoài nữa, lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến, là chỗ gần Bắc Hải”.[9]

Một đoạn rất dài khác cũng trong Phủ biên tạp lục nhưng cần phải trích dẫn vì nó cung cấp nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến cách Chúa Nguyễn tổ chức khai thác hai quần đảo một cách hệ thống:

… Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng ngàn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là Trắng bông, giống đồi mồi nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bến bãi, lấy về dùng vôi sát quan, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt.

Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tầu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem sổ của cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu biên rằng: Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ năm năm ấy mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được thiếc khôi, bát sứ và hai khẩu súng đồng mà thôi.

Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Thứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tầu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”.[10]

Đoạn này cho thấy việc khai thác hai quần đảo của Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải kéo dài từ thế kỷ XVII sang đến cuối thế kỷ XVIII. Hoạt động của hai đội này được tổ chức có hệ thống, đều đều mỗi năm ra đảo công tác 8 tháng. Các thuỷ thủ do nhà nước tuyển dụng, hưởng bổng lộc của nhà nước, giấy phép và lệnh ra công tác do nhà nước cấp.

Các bộ sử như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt địa dư chí, đều có đoạn ghi các Chúa Nguyễn tổ chức khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và cả các đảo khác nữa: Đội Thanh Châu phụ trách các đảo ngoài khơi Quy Nhơn lấy tổ chim yến, Đội Hải Môn hoạt động ở các đảo Phú Quý, Đội Hoàng Sa chuyên ra quần đảo Hoàng Sa, sau đó lại tổ chức Đội Bắc Hải thuộc đội Hoàng Sa nhưng phụ trách các đảo xa ở phía Nam trong đó có quần đảo Trường Sa, đảo Côn Lôn và các đảo nằm trong vùng vịnh Thái Lan thuộc chủ quyền của Việt Nam.[11]

Đặc biệt là bộ Lịch triều hiến chương loại chí: Dư địa chí của Phan Huy Chú (1782 – 1840). Phan Huy Chú và các tác phẩm của ông được Gaspardone nghiên cứu. Bộ sử này viết vào đầu thế kỷ XIX và gồm 49 quyển nằm ở École Fransaise d’Extrême Orient.[12]

.

.

(Xem tiếp phần 2 … )

December 9, 2007 Posted by | Uncategorized | 3 Comments

Bai 15: Do dong co Dong Son

Ðồ Ðồng Cổ Ðông Sơn

TG : Nguyễn Văn Huyên

Năm 1924, một người nông dân làng Ðông Sơn đi câu cá ở hữu ngạn sông Mã trên cánh đồng đất bãi chạy dài giữa sông Mã và giải núi đá vôi và phiến thạch, phát hiện một số công cụ và vũ khí cổ bằng đồng. Ðịa điểm này thuộc làng Ðông Sơn huyện Ðông Sơn tỉnh Thanh Hóa, cách thị xã Thanh Hóa 4,650m về phía Bắc – Ðông bắc. Sau đó các nhà nghiên cứu đã khai quật và sưu tầm hàng trăm cổ vật thuộc nhiều loại hình hiện vật khác nhau: công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang trí và tượng mỹ thuật. Thuật ngữ Văn hóa Ðông Sơn xuất hiện và nổi tiếng từ giai đoạn này.

 

 

Tuy nhiên, hai mươi năm phát hiện văn hóa Ðông Sơn, các nhà nghiên cứu người Pháp và nước ngoài chỉ mới khai quật được vài địa điểm quanh khu vực Thanh Hóa và Quảng Bình. Do tư liệu lúc đó còn hạn chế, cộng với quan điểm thiên di và vay mượn chi phối nên các nhà nghiên cứu giai đoạn đầu thường cho rằng chủ nhân của văn hóa Ðông Sơn không phải là cư dân bản địa mà là từ phương Bắc xuống hoặc từ phương Tây sang.

 

 Những thập kỷ tiếp theo, hàng trăm địa điểm thuộc văn hóa này đã được khai quật nghiên cứu; qua đó giúp ta hiểu được một quá trình phát triển liên tục, nội sinh qua bốn giai đoạn phát triển:

Sơ kỳ đồ đồng – giai đoạn Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 4000 năm.

Trung kỳ đồ đồng: giai đoạn Ðồng Ðậu, cách ngày nay khoảng 3300 năm đến 3500 năm.

Hậu kỳ đồ đồng: giai đoạn Gò Mun, cách ngày nay khoảng trên dưới 3000 năm.

Cuối cùng là giai đoạn Ðông Sơn thuộc sơ kỳ đồ sắt, cách ngày nay khoảng từ trên dưới 2000 năm đến 2800 năm.

Ðông Sơn là một nền nghệ thuật tạo hình đạt đến đỉnh cao về tạo dáng. Người cổ Ðông Sơn đã tạo ra nhiều loại hình hiện vật phong phú, đa dạng từ công cụ, vũ khí, đồ gia dụng, đến nhạc khí, đồ trang sức và tượng nghệ thuật.  

Ấm nước bằng đồng

Tẩu hút thuốc bằng đồng

  

Muổng và muôi bằng đồng

Đèn đồng Đông Sơn

 Tính đa dạng này không phải chỉ mang ý nghĩa thực dụng gắn với từng loại công việc khác nhau như lưỡi cày để xới đất, lưỡi hái và nhíp để gặt lúa, rìu để cuốc đất, chặt cây, đóng thuyền, giũa để tu sửa khi rèn sắt, đúc đồng… mà còn biểu hiện ý đồ tạo dáng khác nhau phù hợp với khiếu thẩm mỹ của từng địa phương. Chẳng hạn người Việt cổ vùng thấp thích chế tạo trống đồng dáng cao, lưng thẳng; còn người vùng cao thích trống dáng lùn, chân thấp, lưng choãi.

Trống đồng Ngọc Lũ

Người vùng đồng bằng Bắc Bộ ưa loại lưỡi cày dáng hình tim, tam giác, còn người lưu vực sông Mã (Thanh Hóa) thích lưỡi cày hình cánh bướm. Người Ðông Sơn có khiếu thẩm mỹ rất cao. Không chỉ những loại hiện vật có kích thước lớn, có công năng quan trọng như trống, thạp, thố, bình… mà hầu hết cổ vật Ðông Sơn từ công cụ đến vũ khí, từ dụng cụ sinh hoạt đến nhạc khí, tượng nghệ thuật… đều được trang trí nhiều loại hoa văn phong phú và tinh tế.

Thạp đồng

 Hoa văn trang trí trên đồ đồng Ðông Sơn có thể phân ra thành hai loại cơ bản:

1/ Hoa văn người, vật dùng và động vật.

2/ Hoa văn hình học: phổ biến là hoa văn chấm nhỏ thẳng hàng, vạch chéo và vạch thẳng song song, hình răng cưa, vòng tròn, hình chữ S.  

Hoa văn trên bề mặt trống đồng Hoàng Hạ

Tùy theo cách chế tác và hình dáng cổ vật mà những hoa văn trên được sắp sếp hài hòa và tinh tế. Thí dụ như vẫn các loại hoa văn chấm dải, răng cưa, gạch ngắn song song, vòng tròn… nhưng người Ðông Sơn đã bố trí rất khéo trên mặt cong của tang, lưng trống, mặt trống, lưng thạp, nắp thạp; hay ngay trên mặt một số cổ vật nhỏ như giáo, dao găm, rìu… hoa văn cũng được bố trí rất hài hòa tùy theo hình dáng của thân, mũi khác nhau. Chẳng hạn như trên chiếc rìu xéo: ở thân rìu có hình ba người trang sức lông chim đang múa, trên họng rìu có đôi cá sấu đang giao cấu. Trang trí Ðông Sơn đã gắn bó giữa dáng, hoa văn và sự chuyên môn hóa theo công năng của vật dùng.

Ðặc biệt trống đồng Ðông Sơn – một nhạc khí cổ – là đỉnh cao nghệ thuật trang trí của đồ đồng thời đó. Trống Ðông Sơn là một kiệt tác nghệ thuật làm say mê nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm trong nước và trên thế giới, là bức tranh toàn cảnh về tín ngưỡng, kiến trúc, sản xuất, chiến đấu, lễ hội… của cư dân nông nghiệp lúa nước.

.

( Xem thêm bài 6: Tìm hiểu ý nghĩa những hình vẽ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, quyển âm lịch cổ và địa bàng chỉ phương hướng dùng trong nền văn minh Lạc Việt )

Nghiên cứu nghệ thuật Ðông Sơn đặc biệt là trống đồng, chúng ta thấy hai xu hướng phát triển nghệ thuật tạo hình thời này: cách điệu hóa đơn giãn hóa hoa văn, vạch ra mô hình phát triển nghệ thuật Ðông Sơn từ xu hướng tả thực ở giai đoạn sớm, chuyển sang khuynh hướng cách điệu biến hình phức tạp, bí ẩn ở giai đoạn muộn.

Ðồ trang sức của người cổ Ðông Sơn được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như vỏ sò, gốm, xương thú, thủy tinh, mã não… nhưng một trong những loại thông dụng nhất là đồng. Không thể thống kê kết các loại đồ trang sức vì chúng rất đa đạng. Người xưa thường trang sức ở năm bộ phận cơ thể: tai, cổ, thắt lưng, tay và chân. Ở tai có vòng và khuyên; ở cổ có chuỗi hạt; ở tay có vòng, nhẫn và bao tay; ở chân có vòng và bao chân; ở lưng là khóa thắt lưng. Người Ðông Sơn không chỉ đeo vòng ở cổ tay mà còn đeo nhiều vòng từ cổ tay đến cánh tay. Bất kể già trẻ, nam nữ đều thích làm đẹp bằng đồ trang sức; ở làng Vạc (Nghệ An) các nhà nghiên cứu đã phát hiện những bao tay, bao chân, nhẫn đồng có gắn nhạc; chứng tỏ trang sức đã gắn liền với âm nhạc và ca múa.

 

Khuyên tai bằng đá

Bao chân, bao tay bằng đồng.

Khoá thắt lưng bằng đồng, trang trí tượng rùa.

Tượng đồng nghệ thuật Ðông Sơn rất đa dạng gồm tượng người, tượng gia súc như trâu, bò, lợn, gà, vịt, chó; các loài vật nhỏ như chim, cóc, nhái, rùa, rắn; các loài thú lớn như voi, hươu, hổ, báo. Tượng Ðông Sơn đa số là tượng trang trí gắn trên hiện vật, còn tượng rời thì ít. Tượng thường được gắn trên cán dao găm, cán muôi, vòi ấm, mặt trống, nắp thạp hoặc dùng làm chân đèn…

 Nhìn chung tượng Ðông Sơn có kích thước nhỏ hoặc rất nhỏ dùng làm đồ chơi, vật thiêng hoặc con giống. Tượng Ðông Sơn mang phong cách tả thực, hồn nhiên, biểu cảm; chẳng hạn như tượng hai người cõng nhau nhảy múa, tượng người trên cán muôi Việt Khê đang thổi khèn, tượng người trên cán dao găm… Về cách thể hiện, nghệ thuật tạc tượng cũng mang tính chất nhịp điệu, đối xứng như trang trí hoa văn; thí dụ như cảnh hổ vồ mồi, cảnh nam nữ yêu nhau trên nắp thạp Ðào Thịnh… đều được bố trí đối xứng qua tâm của nắp thạp, mặt trống.

Nhìn lại chặng đường dài phát triển của nghệ thuật tạo hình Ðông Sơn, chúng ta rút ra mấy nét tổng quát như sau:

Một là, thành tựu lớn nhất của giới nghiên cứu khảo cổ học và mỹ thuật cổ là đã khẳng định được nghệ thuật Ðông Sơn là một nền nghệ thuật bản điạ thuần Việt

,phi Hoa, phi Ấn. Nền nghệ thuật này không phải thiên di từ Trung Quốc xuống hay từ Bắc Ấn sang; nó được phát triển liên tục suốt hơn ngàn năm. Tuy nhiên nền nghệ thuật Ðông Sơn này không hề đóng kín, mà là nền Nghệ thuật mở, giao lưu nhiều với các nền nghệ thuật đồng đạo chẳng hạn trống đồng Ðông Sơn đã giao lưu đến khu vực trống đồng ở Hoa Nam, Ðông Nam Á lục điạ và Ðông Nam Á hải đảo.

Ngược lại nghệ thuật tượng tròn của người Ðiền ở Vân Nam (Trung Quốc) đã ảnh hưởng đến tượng tròn Ðông Sơn. Một số yếu tố của các nền nghệ thuật đương thời Ðông Nam Á cũng ảnh hưởng đến nghệ thuật Ðông Sơn tùy mức độ đậm nhạt khác nhau (Trích từ Vài nét về giao lưu văn hóa thời đaị kim khí trong bối cảnh lịch sử Ðông Nam Á của Trịnh Sinh – Tạp chí khảo cổ học số 3-1979).

Hai là, đặc điểm nổi bật nhất của nghệ thuật tạo hình Ðông Sơn là hình tượng của con người chiếm vị trí chủ đạo trong thế giới muôn loài. Con người luôn hài hòa với thiên nhiên, với mọi vật nhưng luôn là trung tâm của thế giới. Con người đang lao động như đánh cá, săn bắn; đang vui chơi giải trí như ca hát, nhảy múa, đánh trống, thổi khèn; đang chơi thể thao như bơi lội hay đang cầm chắt vũ khí bảo vệ làng bản quê hương. Ðó là những con người bình dị, thuần hậu, chất phát, hiền hòa chứa đựng tính nhân bản sâu sắc. Cảnh vật quanh người cũng rất dể thương, dể mến như những nhà sàn mái cong đơn sơ, những con thuyền đang lướt sóng, những con cò bay lả bay la, những đàn cá lội tung tăng, những cặp bò đực bò cái, hươu đực hươu cái xen kẽ, những đôi chim trống chim mái, những đôi cá sấu đang giao cấu, bên những cặp trai gái đang yêu nhau… phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước, ước mong cuộc sống hòa bình hạnh phúc.

.

Các hình khắc trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ

.

Vũ khí Đông Sơn

Giáo đồng

Những mảnh giáp bằng đồng

Khoá nỏ (máy bắn tên bằng đồng)

Lay nỏ Cổ Loa

Khuôn đúc tên.

Tên đồng Cổ Loa

Ba là, về thủ pháp nghệ thuật, người cổ Ðông Sơn miêu tả theo lối bổ nghiêng từ hình người múa, hình chim, hươu, bò… đều vẻ từ cách nhìn một phía chứ không nhìn thẳng mặt. Thí dụ như hình người múa trên mặt trống đồng được vẻ theo lối ngực nhìn thẳng, còn chân và đầu thì theo lối nhìn nghiêng. Hình chim bay từ chân, cánh và đuôi nhìn từ trên xuống, còn đầu thì theo lối nhìn nghiêng. Phong cách miêu tả này dường như là cách nhìn mọi vật từ nhiều phía trong không gian mà ta thường gặp trong các nền nghệ thuật cổ đại Ai Cập, Lưỡng Hà… ở đây thế giới được thể hiện như một không gian khép kín.

Người cổ Ðông Sơn còn dùng thủ pháp ước lệ: hình ngôi nhà sàn mái rủ sát đất trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, nhưng họ cũng không quên khắc cả những con người đang sinh hoạt trong nhà theo trí tưởng tượng của họ.

Mái cong Làng Đình Bảng

Tóm lại, Ðông Sơn không những là một nền nghệ thuật tạo hình lâu đời, một nền nghệ thuật bản địa có bản sắc riêng, khác với các nền nghệ thuật láng giềng đồng đạo mà còn là đỉnh cao nghệ thuật làm say mê nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm trong nước và trên thế giới. Ðó là niềm tự hào của chúng ta những con Lạc cháu Hồng.

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên

(Sưu tầm : Thanhlongcollection

 

———————————————————————————————————————

Phụ lục : Một số hình ảnh các loại trống đồng Đông Sơn

 

Trống đồng Sông Đà

Bề mặt trống đồng Sông Đà

.

Trống đồng Cổ Loa

.

Trống đồng Phú Phương

.

Dong Son style

, được Doremon360 bổ sung hình ảnh) .

November 5, 2007 Posted by | Uncategorized | , , , , , , , , | 14 Comments